"Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hôm 1/2 khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tại Myanmar.
Quân đội Myanmar sáng 1/2 thông báo đã bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm. Sự việc diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và lực lượng quân đội Myanmar sau một cuộc bầu cử bị quân đội nước này cáo buộc "gian lận".
Thái Lan, Campuchia và Philippines khẳng định việc Suu Kyi bị bắt là "vấn đề nội bộ của Myanmar", trong khi Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại "nghiêm trọng" về tình hình.
Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên giải quyết bất đồng theo khuôn khổ hiến pháp và pháp lý, cũng như bảo vệ ổn định chính trị và xã hội.
Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền của bà Suu Kyi giành chiến thắng với 346 trên tổng số 412 ghế quốc hội. Tuy nhiên, quân đội Myanmar tuyên bố đã phát hiện hơn 10 triệu trường hợp gian lận cử tri, yêu cầu uỷ ban bầu cử của chính quyền công bố danh sách cử tri để kiểm tra chéo nhưng uỷ ban không đồng ý.
Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người được xem là quyền lực nhất Myanmar, tuần trước cảnh báo có thể "thu hồi" hiến pháp năm 2008 trong những trường hợp nhất định.
Vũ Anh