Theo Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ, tiếp tục tăng nhanh. Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017, không đạt được mục tiêu giảm chênh lệch còn 112,8 bé trai/100 bé gái. Mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ nam trên 100 trẻ gái chào đời.
Sơn La là tỉnh đứng đầu với chênh lệch giới tính khi sinh với 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bốn tỉnh tiếp theo có tỷ lệ sinh bé trai nhiều hơn gái là Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương.
Tại tập huấn về dân số cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cho biết Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục "trọng nam, khinh nữ". Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cùng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam và nữ. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới. Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình. "Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện", bà Quỳnh Anh nói.
Bà Quỳnh Anh phân tích sự khác biệt về vai trò, trách nhiệm, vị thế và quyền hạn của nam và nữ mà xã hội tạo dựng đã gây ra những điều bất lợi cho cả hai giới, thể hiện sự bất bình đẳng giới. Thống kê toàn cầu, thu nhập của phụ nữ bằng khoảng 50-90% thu nhập nam giới. Tại châu Phi, châu Á, trung bình một tuần phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới 12-13 giờ. Trong tổng số 872 triệu người mù chữ tại các nước đang phát triển, phụ nữ chiếm 2/3. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ nông thôn làm việc trung bình 14 giờ một ngày và hưởng ít hơn 20-40% thu nhập của nam giới.
"Tất cả những điều này dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh", bà cho biết.
Dự kiến trong tương lai Việt Nam có khoảng 2-4 triệu nam giới không tìm được vợ do tỷ lệ sinh trai quá cao. Ảnh: Lê Phương |
Khi Việt Nam phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Nhiều người sẵn sàng nạo phá thai khi biết đứa bé trong bụng không phải là con trai. Hơn nữa, ngày nay nhiều người chấp nhận chuẩn gia đình chỉ từ 1-2 con. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động áp dụng những thành tựu của khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi. Trong khi đó, quy định pháp luật xử lý vi phạm với người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi chưa đủ sức răn đe.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể gia tăng về nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ gia tăng.
Thúy Quỳnh