"Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng và bạo lực leo thang tại dải Gaza trong những ngày vừa qua, làm chết và bị thương nhiều người Palestine", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay.
Người phát ngôn nhắc đến bạo lực ở dải Gaza, sau hàng loạt xung đột ở khu vực giáp với biên giới Israel, với đỉnh điểm là vụ binh sĩ Israel bắn chết 60 người Palestine và làm bị thương 2.400 người trong cuộc biểu tình ngày 14/5.
Đây được coi là ngày đẫm máu nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine kể từ cuộc chiến tranh năm 2014 giữa Israel và Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo kiểm soát Dải Gaza. Quân đội Israel và tổ chức Hamas đã trải qua ít nhất ba cuộc chiến quy mô lớn trong 10 năm qua.
Bà Hằng cho biết Việt Nam một lần nữa kêu gọi kiềm chế, phản đối sử dụng vũ lực, chấm dứt leo thang căng thẳng, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình. Các bên cũng cần nỗ lực tìm kiếm một giải pháp toàn diện, công bằng, bền vững, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và lợi ích chính đáng của các bên liên quan cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam cho rằng mọi giải pháp liên quan đến Jerusalem cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc với sự đồng thuận của các bên liên quan.
Nói về việc Mỹ mở đại sứ quán tại Jerusalem, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine.
"Việt Nam ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh nhà nước Israel với đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine", bà Hằng nói.
Hôm 14/5, Mỹ đã khánh thành đại sứ quán tại Israel ở thành phố Jerusalem, bất chấp sự phản đối của Palestine và nhiều nước trên thế giới. Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem, thành phố đang tranh chấp, là thủ đô Israel hồi tháng 12/2017, khiến người Palestine phẫn nộ. Họ cho rằng Mỹ không thể đóng vai trò là bên trung gian thành thật trong bất cứ tiến trình hoà bình nào với Israel.
Người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước họ muốn thành lập trong tương lai ở vùng Bờ Tây và dải Gaza. Israel coi toàn thành phố, bao gồm vùng phía đông nước này chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967 là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt", động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Khánh Lynh