"Các cơ quan chức năng Việt Nam trong và ngoài nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ để bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ở nước ngoài", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, đề cập đến tình trạng bài xích người gốc Á gia tăng ở nhiều nước trên thế giới.
Khẳng định bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong đối ngoại của Việt Nam, bà Hằng cho biết chính phủ và các bộ ngành thường xuyên đề nghị các nước đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập, đóng góp cho quá trình phát triển xã hội và kinh tế sở tại.
"Người Việt Nam nếu bị xâm hại có thể liên hệ và thông báo qua tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao cũng như đường dây nóng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài", người phát ngôn nói thêm.
Nhiều vụ hành hung người cao tuổi gốc Á đã được ghi nhận tại Mỹ trong thời gian qua, gây lo ngại về tình trạng phân biệt chủng tộc do Covid-19. Làn sóng bài Á được cho là phần nào xuất phát từ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người nhiều lần gọi nCoV là "virus Trung Quốc".
Các hành vi thù ghét người gốc Á cũng gia tăng tại châu Âu trong thời kỳ đại dịch. Một số chính trị gia phương Tây đã liên tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc với Covid-19 và với bối cảnh đó, những người gốc Đông Á và Đông Nam Á tại châu lục này ngày càng trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc.
Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 6 cho thấy 3/4 người gốc Hoa ở Anh từng bị lăng mạ bằng từ ngữ phân biệt chủng tộc. Khi đại dịch hoành hành khắp châu Âu, các nhà hoạt động ở Tây Ban Nha và Pháp cũng bắt đầu nhận thấy vấn đề. Các chiến dịch như lan truyền từ khóa "Tôi không phải virus" được tạo ra để nâng cao nhận thức đối với tình trạng bạo lực nhắm vào người châu Á.
Vũ Anh