"Đối với các vụ xâm phạm vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại buổi họp báo ngày 18/5, trả lời thông tin tàu nghiên cứu của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp thiết thực và tích cực cho duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo SCMP, tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 với sự hộ tống của hai tàu hải cảnh và nhiều tàu cá Trung Quốc đầu tháng này hướng đến khu vực bãi Tư Chính nằm trong EEZ của Việt Nam.
Lần gần nhất Trung Quốc đưa tàu hướng vào khu vực bãi Tư Chính là vào tháng 7/2019. Tàu nghiên cứu Hải dương Địa chất 8 hoạt động trong vùng biển này cùng ít nhất 4 tàu hải cảnh Trung Quốc trong hơn hai tháng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó đã lên án Trung Quốc xâm phạm EEZ và thềm lục địa, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam, Trung Quốc đều là thành viên.
Theo UNCLOS, bất kỳ hoạt động nghiên cứu, khảo sát nào trong EEZ đều phải được quốc gia ven biển cho phép.
Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu này và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực. Nhóm tàu Trung Quốc rút đi vào tháng 10/2019.
Nguyễn Tiến - Thanh Danh