"Việt Nam sẵn sàng trao đổi, làm việc với Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác, để chia sẻ thông tin và tăng cường hiểu biết, tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại nhằm góp phần cho quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững và đáp ứng lợi ích của hai bên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói ở họp báo thường kỳ hôm nay.
Bà Hằng đưa ra phát biểu khi được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước khả năng Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để duy trì đà phát triển thương mại song phương trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. "Thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của chính phủ và nhân dân hai nước", bà nói thêm.
![Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/HUY-4959-8684-1739445668.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TdqUySDRJMfNa_keztJWUQ)
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: Giang Huy
Bà Hằng cũng khẳng định Việt Nam "chia sẻ với nỗi lo" của các doanh nghiệp trước bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động như hiện nay. Chính phủ luôn theo dõi sát các diễn biến để có biện pháp phù hợp và giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, đồng thời đóng góp cho thương mại quốc tế phát triển lành mạnh.
"Việt Nam cam kết tuân thủ các cơ chế hợp tác quốc tế, cam kết thương mại song phương và đa phương, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực, tích cực thúc đẩy các tổ chức thương mại và góp phần cho sự tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế", bà nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tuần ký sắc lệnh quy định thuế áp dụng với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ là 25%. Quyết định có hiệu lực từ ngày 4/3 và không áp dụng ngoại lệ với bất kỳ nước nào. Ông lý giải động thái này sẽ buộc nhiều doanh nghiệp chuyển đến Mỹ hoạt động.
Theo Hiệp hội Sắt Thép Mỹ, nước này nhập khẩu thép nhiều nhất từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam. Với nhôm, Canada đóng góp tới 79% nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm ngoái. Mexico cũng là nước cung cấp nhôm lớn cho Mỹ.
Nhôm và thép của Việt Nam đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo quy định được Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước. Sau quyết định mới của ông Trump, mức thuế doanh nghiệp thép của Việt Nam phải chịu giữ nguyên, trong khi nhôm tăng thêm 15 điểm phần trăm.
Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang vài tuần qua, khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với hàng hóa Canada, Mexico và 10% với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 3/2, ông thông báo hoãn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada, sau khi đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư với hai nước này.
Thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2. Trung Quốc đã áp thuế trả đũa với mức 10-15%, mở điều tra chống độc quyền với Google, siết xuất khẩu hàng loạt kim loại quan trọng và gửi đơn kiện cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những diễn biến này làm gia tăng lo ngại về thương chiến quy mô toàn cầu.
Tại phiên họp chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá biến động phức tạp của kinh tế chính trị thế giới và các đối tác thương mại lớn tác động trực tiếp tới Việt Nam, đặc biệt về xuất khẩu và sản xuất. Thủ tướng đề nghị các thành viên chính phủ dự báo, phân tích sát những vấn đề mới như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới thời gian tới.
Ngọc Ánh - Thanh Danh