Bình luận về việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cho rằng tranh chấp Biển Đông không nên quốc tế hóa, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, đã được nhắc lại nhiều lần.
Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở khu vực này thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và trên tinh thần của Tuyên bố của các bên (DOC).
Ông Bình lý giải, đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.
"Những vấn đề liên quan đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc, giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm", ông Bình nói.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ hôm 12/4, ông Lavrov nói rằng "mọi tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại, và các nỗ lực nhằm quốc tế hóa vấn đề cần phải chấm dứt".
Tại Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc vẫn xúc tiến thảo luận giải quyết bất đồng ở quần đảo Hoàng Sa. Hôm nay, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay các máy bay chiến đấu J-11 mà Trung Quốc triển khai phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một số bên khác cũng tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp các đá ở Trường Sa và điều các thiết bị quân sự như chiến đấu cơ, tên lửa ra Hoàng Sa, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Bắc Kinh dừng các hoạt động khiêu khích.
Việt Anh