Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết từ hôm nay các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm, lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì giấy (hỗn hợp, carton) sẽ phải tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc.
"Đây là một trong số những mặt hàng đầu tiên thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) ở Việt Nam theo Luật Bảo vệ môi trường đã thông qua từ năm 2020", ông Hùng nói.
Theo đó, quy định tái chế áp dụng với các nhà sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, dịch vụ và giá trị nhập khẩu của năm trước lần lượt trên 30 tỷ và 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chịu quy định này.
Các doanh nghiệp phải tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ bắt buộc trên tổng khối lượng được đưa ra thị trường, nhập khẩu. Theo đó, tỷ lệ tái chế ngành săm lốp là 5%, pin sạc 8%, ắc quy 8-12% tùy loại và bao bì 10-22%.
Doanh nghiệp cũng có thể chọn nhiều giải pháp khi tái chế. Chẳng hạn, săm lốp có thể tái chế làm làm lốp dán công nghệ cao, hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu.
Pin có thể tái chế để sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa, như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
Dầu nhớt có thể chưng thu hồi dầu gốc hoặc loại dầu khác. Bao bì tái chế thành các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy hoặc các sản phẩm khác...
Theo lộ trình, ngành điện, điện tử sẽ phải tái chế sản phẩm bắt buộc từ 1/1/2025. Còn lĩnh vực ôtô và xe máy phải tái chế từ 2027.