Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đây là dịp để các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo nhân quyền và chuyên gia gặp gỡ, trao đổi với các báo, cung cấp thêm thông tin về thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người.
Bên cạnh đó, cơ quan báo chí có thể tổ chức chuyên trang, chuyên mục và thảo luận về tình hình nhân quyền. Các báo được khuyến nghị đề cập vấn đề tôn giáo, Quyền trẻ em, Luật báo chí, Luật tiếp cận thông tin.
Các cơ quan trung ương như Ban Tôn giáo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... có trách nhiệm cung cấp thông tin đến báo chí và ngược lại, các báo có thể nêu đề xuất để hai bên có sự trao đổi tốt.
Bộ Thông tin kỳ vọng động thái này sẽ giúp người nước ngoài hiểu hơn nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết về nhân quyền.
Cơ chế cung cấp thông tin về nhân quyền là một trong nhiều hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015-2017, thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Liên Hợp quốc (UPR).
Sau chương trình khởi động hôm nay, Bộ trưởng Tuấn cho rằng Cục Thông tin đối ngoại thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ tổ chức hiệu quả hội nghị hàng tháng.
Việt Anh