Sáng 9/12, tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, đại tá Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng, trả lời VnExpress về những thành tựu cũng như thách thức của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
- Việt Nam mang đến triển lãm những sản phẩm thế mạnh nào?
- Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trưng bày 5 nhóm sản phẩm chính do Việt Nam làm chủ công nghệ và tự sản xuất. Nhóm một là vũ khí bộ binh, bao gồm súng cầm tay như tiểu liên, trung liên, đại liên, trọng liên; vũ khí cho phân đội như súng phóng lựu, súng máy, súng cối, súng chống tăng, súng phòng không 12,7 mm.
Nhóm thứ hai là đạn dược, đến nay chúng ta đã chủ động sản xuất được tất cả đạn cho súng bộ binh và pháo binh, phòng không, mặt đất và nhiều loại pháo dùng cho tàu hải quân.
Nhóm thứ ba là sản phẩm về khí tài quang học, tiêu biểu nhất là ống ngắm ngày - đêm, gắn cho súng bộ binh, súng chống tăng, súng cối.
Nhóm thứ tư là sản phẩm thuộc về ngành công nghiệp đóng tàu. Đến nay, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã chủ động đóng mới được 50 chủng loại tàu, trong đó nhiều loại tàu chiến hiện đại, tàu pháo, tàu tên lửa, tàu hỗ trợ tàu ngầm, tàu cảnh sát biển, tàu cho lực lượng kiểm ngư. Những loại tàu này phục vụ cho cả mục đích kinh tế cũng như xuất khẩu.
Nhóm thứ năm là khí tài nghi binh, nghi trang, vật tư kỹ thuật cải tiến, hiện đại hóa, nâng cấp vũ khí, trang bị cho bộ đội.
Từ công nghệ nền, công nghệ lõi, Việt Nam đã sản xuất được một số sản phẩm kỹ thuật cao như tổ hợp vũ khí điều khiển bắt bám ngày đêm; robot chiến đấu gắn súng tiểu liên, trọng liên hoặc hỏa lực khác; trang thiết bị phục vụ cho hải quân, không quân như hệ thống điều hướng, dẫn đường cho máy bay cất, hạ cánh trong điều kiện thời tiết phức tạp, ở sân bay dã chiến.
Ngoài ra, các lực lượng cũng chế tạo thành công thiết bị phát hiện vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, sinh học; chất tẩy xạ, tiêu độc cho phương tiện, trang bị khi bị tấn công hạt nhân, sinh học; thiết bị mô phỏng thời gian thực, mô phỏng tình huống tác chiến phục vụ cho huấn luyện...
Việt Nam cũng đang nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ từng bước các loại vũ khí công nghệ cao, có điều khiển tích hợp hệ thống.
- Với các sản phẩm vừa nói, ông đánh giá thế nào về khả năng nghiên cứu, sản xuất vũ khí, khí tài của Việt Nam so với khu vực và thế giới?
- Làm chủ được 5 nhóm sản phẩm này cho thấy nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã đạt được thành tựu rất lớn, trong khu vực và trên thế giới, không nhiều quốc gia làm được điều tương tự. Tuy nhiên, nếu so với các nền quốc phòng tiên tiến chúng ta còn phải nỗ lực, phấn đấu nhiều để phát triển, làm chủ nhiều công nghệ mới, nhất là nhóm vũ khí công nghệ cao, tích hợp hệ thống, có điều khiển.
Trong cả 5 nhóm trang bị vũ khí kể trên, lĩnh vực nào cũng có những cái khó, cái mới. Ngay trong lĩnh vực truyền thống, để nâng cao những tính năng cũ cũng là những thách thức lớn đối với cả nền công nghiệp quốc phòng. Ví dụ nhóm vũ khí bộ binh ta đã sản xuất được nhiều loại có tính năng, kỹ chiến thuật rất cao, đáp ứng tác chiến trong tình hình mới.
Đơn cử, đối với súng bộ binh, sản phẩm do Việt Nam sản xuất đã có chất lượng sánh ngang với các nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến trên thế giới. Nhiều đặc tính ưu việt như chế tạo bằng vật liệu nhẹ, công nghệ chế tạo nòng vượt trội, giúp tuổi thọ nòng súng cao, độ chính xác và tốc độ bắn rất lớn. Như nòng súng tiêu chuẩn có tuổi thọ trung bình là 15.000 phát, nhưng nòng súng do Việt Nam sản xuất có thể bắn trên 15.000 phát vẫn hoạt động tốt.
- Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi gì từ những sản phẩm nước ngoài trưng bày tại triển lãm?
- Thông qua triển lãm lần này, Việt Nam với vai trò nước chủ nhà có điều kiện rất thuận lợi để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia hàng đầu về sản xuất vũ khí như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Brazil, Pháp...
Trong đó có một số công nghệ vũ khí hiện đại trang bị cho hải quân, không quân như tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải, đất đối đất, tên lửa chiến hạm; xe thiết giáp, xe tăng; tàu chiến hiện đại có vũ khí phòng không, vũ khí chống ngầm; công nghệ đóng tàu, sản xuất xe tăng...
Tập đoàn công nghiệp quốc phòng các nước bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, hợp tác cũng như mua bán các loại trang bị kỹ thuật Việt Nam chưa sản xuất được hoặc chuyển giao công nghệ khí tài mà chúng ta đang thiếu.
Chúng ta sẽ phải cân nhắc lựa chọn đối tác phù hợp với nhu cầu, nguồn lực để có được công nghệ tốt nhất, phù hợp nhất, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại.
- Đâu là thách thức lớn nhất trong phát triển các loại vũ khí, khí tài để phù hợp với điều kiện tác chiến hiện đại ngày nay?
- Để phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, công nghệ cao, thông minh cần 4 mấu chốt quan trọng.
Thứ nhất là nền công nghiệp phụ trợ. Sự hỗ trợ của công nghiệp phụ trợ đối với nền công nghiệp quốc phòng là rất quan trọng, bởi chỉ công nghiệp quốc phòng không thể tự sản xuất hết được các loại vật tư vật liệu, nhất là các vật liệu đặc chủng. Tuy nhiên, công nghiệp phụ trợ của chúng ta chưa phát triển, hầu hết vật tư, vật liệu đặc chủng chúng ta phải nhập từ nước ngoài. Đây là khó khăn rất lớn. Vì vậy, cùng với phát triển công nghiệp quốc phòng ta phải có giải pháp đồng bộ để phát triển công nghiệp quốc gia, để có sản phẩm phụ trợ đáp ứng cho sản xuất quốc phòng.
Thứ hai là công nghệ. Những năm qua chúng ta từng bước đổi mới thông qua chuyển giao, tự đầu tư, nghiên cứu. Nhờ vậy, ta đã sở hữu được một số công nghệ lõi, công nghệ nền cho các sản phẩm quốc phòng. Nhưng để chế tạo vũ khí công nghệ cao, đòi hỏi nhiều công nghệ lõi, công nghệ nền, công nghệ đặc thù mà chúng ta chưa có. Những công nghệ này đòi hỏi quá trình hợp tác, chuyển giao và có quan hệ ngoại giao quốc phòng rất sâu sắc với các nước thì mới nhận chuyển giao được. Đây là một thách thức.
Thứ ba là nguồn lực đòi hỏi để nhận chuyển giao các công nghệ này cũng rất lớn, cần có sự quyết liệt từ các cấp lãnh đạo cao nhất, sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, tham gia đầu tư quyết liệt cho công nghiệp quốc phòng thì mới có thể tạo ra công nghệ lõi, công nghệ nền có tính đột phá.
Thứ tư là nguồn nhân lực, hiện nay chúng ta rất thiếu. Ví dụ, ở nước ngoài, để phát triển một sản phẩm mới cần hàng trăm kỹ sư, chuyên gia, nhà khoa học, chia thành các nhóm nghiên cứu đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn.
Có những hãng công nghiệp quốc phòng lớn, doanh thu mỗi năm lên đến 4 tỷ USD, sẵn sàng chi 8% của doanh thu, tương đương 320 triệu USD, cộng với đội ngũ khoảng 700 người cho nhiệm vụ nghiên cứu một sản phẩm. Nhờ vậy họ mới tạo ra sản phẩm vũ khí mang tính đột phá, hiện đại. Đây là thách thức lớn khi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ta chưa đáp ứng về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề theo hướng hiện đại.
- Theo ông, công nghệ quốc phòng nào trong tương lai sẽ quan trọng và mang tính quyết định nhất đối với Việt Nam?
- Đường lối quốc phòng Việt Nam xác định phòng vệ là chính, củng cố tiềm lực quân sự để bảo vệ Tổ quốc, không bị bất ngờ bởi tất cả tình huống trên bộ, trên không, trên biển.
Nhiệm vụ này đòi hỏi ta phải phát triển đa dạng các loại vũ khí. Hiện nay, nổi lên hình thức tác chiến phi truyền thống là tấn công phủ đầu, tấn công từ xa, tấn công gián tiếp. Hình thức chiến tranh này sử dụng vũ khí công nghệ cao, tầm xa, tích hợp hệ thống như tên lửa từ tàu ngầm, không kích. Ta cần phấn đấu từng bước, nghiên cứu, chế tạo trang bị, vũ khí công nghệ cao, tích hợp hệ thống đáp ứng tác chiến trong tình hình mới.
Tuy nhiên, để làm chủ chiến trường vẫn phải là bộ binh, vũ khí bộ binh vẫn cần đầu tư phát triển để hiện đại hóa, chúng ta phải đầu tư một cách toàn diện, tùy theo nguồn lực, năng lực từng giai đoạn.