Hơn 10 tháng kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam, Uber cho biết cho biết đây đang là thị trường phát triển nhanh nhất, dựa trên so sánh số lượng chuyến xe những tuần đầu tiên ra mắt dịch vụ tại từng thị trường, thay vì tính con số tăng trưởng ở cùng một thời điểm.
Không tiết lộ cụ thể số lượng chuyến, biểu đồ của Uber cho thấy tính đến ngày thứ 281 (tháng thứ 10), Việt Nam (đường màu xanh nhạt), có số lượng chuyến cao nhất so với tất cả các thị trường còn lại; tiếp theo là Comlumbia, Ấn Độ, Philippines. Dựa trên kết quả trên, ông Đặng Việt Dũng cho biết Uber hài lòng với những gì họ đang làm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam thừa nhận dịch vụ gọi xe mà Uber cũng cấp vẫn đối mặt nhiều trở ngại. Các công ty và hiệp hội taxi Việt Nam cho rằng Uber hoạt động không khác gì một hãng taxi "dù", vì không có giấy phép kinh doanh vận tải mà vẫn hoạt động vận tải. Giải thích về vấn đề này, ông Dũng giữ nguyên những lập luận trước đây, với khẳng định Uber có đăng ký kinh doanh, nhưng với danh nghĩa công ty công nghệ. "Mức giá mà Uber đưa ra cũng là khuyến nghị, không phải áp đặt. Chúng tôi cũng thu phí môi giới 20% trên khoản tiền này", ông Dũng nói tiếp.
Trong khi cạnh tranh với các hãng taxi về cước phí, Uber vừa một lần nữa tung dịch vụ mới giá rẻ hơn (UberX) hôm 7/4, với mức cước thông báo là 5.000 đồng tại Hà Nội và 8.500 đồng tại TP HCM cho mỗi km. Lý do khiến giá rẻ được Uber quảng cáo đến từ việc sử dụng dòng xe cỡ nhỏ như Hyundai i10, Honda City, Kia Morning... Giá tại TP HCM cao hơn vì xe nhỏ ở thành phố này ít hơn.
"Thậm chí giá cước có thể về 2.000 đồng, rẻ hơn cả xe ôm", đại diện hãng nói, "với dịch vụ sắp tới cho phép nhhiều người có cùng tuyến đường đi chung xe". Ngoài hợp tác trong lĩnh vực vận tải với xe ôtô, công ty này dự định sẽ triển khai nhiều loại hình khác tại Việt Nam, thậm chí có thể hợp tác với thủy phi cơ.
Thanh Bình