“Dù dịch HIV tại nước ta không tăng nhanh như những năm trước nhưng vẫn có nhiều yếu tố nguy cơ bùng phát dịch: số trường hợp nhiễm mới hàng năm cao, hình thái lây truyền dịch thay đổi, tỷ lệ nhiễm mới cao ở vùng núi. Nguồn kinh phí tài trợ quốc tế bị cắt giảm nhanh và mạnh, nguồn tài chính trong nước cũng sụt giảm do suy thoái kinh tế”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại lễ phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 diễn ra tại Hà Nội chiều 25/10.
Các mục tiêu 90-90-90 do Liên hợp quốc khởi xướng gồm: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV- thuốc kháng virus; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định hay còn được gọi tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Là quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chương trình này, Bộ trưởng Tiến cho biết, đây là những mục tiêu rất tham vọng, Việt Nam hiện còn khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định mục tiêu 90-90-90 là dấu mốc quan trọng có thể giúp kết thúc dịch HIV vào năm 2030.
Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình lây cho người thân và người khác trong cộng đồng. Việc điều trị sớm bằng ARV giúp người bệnh tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm khả năng lây nhiễm qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
“Dựa trên bối cảnh thực tiễn, chúng ta kỳ vọng mục tiêu này sẽ khả thi ở Việt Nam. 3 mục tiêu còn một khoảng cách, có mục khoảng cách gần, có mục khoảng cách khá xa”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong cuộc họp báo sau đó.
Lấy ví dụ, với mục tiêu 90% người biết tình trạng nhiễm HIV, hiện ước tính có 60% người nhiễm HIV đã biết tình trạng nhiễm. Vì thế với việc mở rộng, tăng nhanh xã hội hóa về xét nghiệm, Việt Nam có thể đạt mục tiêu này. Mục tiêu thứ 2 khó khăn hơn - 90% người tiếp cận điều trị, hiện chỉ đạt khoảng 1/3. Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính đang xúc tiến việc sử dụng nguồn quỹ Bảo hiểm y tế để chi trả tiền thuốc ARV. Với mục tiêu còn lại hoàn toàn mang tính chuyên môn, có thể thực hiện được bằng cách lập điểm xét nghiệm trên toàn quốc. Hiện chỉ 5% số người điều trị ARV được làm xét nghiệm này, Thứ trưởng Long cho biết.
Ông Mitchel Sidibe, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc lạc quan cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu này. “Trong vài năm có lẽ mọi người cảm thấy khó khăn với nhiệm vụ này, các nước ở châu Phi cũng thế, nhưng lục địa này đã có tiến triển với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Số tiền chi phí 15.000 đôla cho một người một năm là quá đắt với nhiều quốc gia ở đây, nhưng nhiều nước đã có 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV. Vì thế, tôi tin có thể lặp lại bước tiến này ở Việt Nam”, ông Sidibe nói.
Thừa nhận những mục tiêu này thực sự là thách thức với Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việt Nam vẫn quyết tâm và cần phải thực hiện cho bằng được. Chúng ta phải chủ động, không thể trốn tránh dịch HIV/AIDS được. Dịch không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp. Đây là việc cần phải làm và chúng ta càng làm sớm thì càng tiết kiệm, càng dễ làm và hiệu quả”.
Nam Phương