"Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến các khu vực đang có diễn biến phức tạp, ví dụ bang Shan và Kachin ở Myanmar. Nếu đang ở trong các khu vực này, cần có có phương án chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn hoặc về Việt Nam", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nói trong họp báo ngày 8/8.
Giao tranh tại bang Shan tăng nhiệt từ cuối tháng 6 khi nhóm phiến quân có tên Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) tấn công vị trí của quân chính phủ. MNDAA ngày 3/8 tuyên bố chiếm được bộ chỉ huy khu vực của quân đội Myanmar ở Lashio, thị trấn lớn nhất của bang này.
Quân đội Myanmar ngày 5/8 thông báo rút khỏi một số vị trí ở bang Shan để đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời khẳng định chính phủ nước này "sẽ liên tục nỗ lực để đảm bảo hòa bình và ổn định, không chỉ tại bang Shan mà còn trên toàn quốc".
Ông Việt nhắc lại Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân Việt Nam không đến Lebanon, Iran, Israel cũng như Bangladesh trong thời điểm này.
Ông cho biết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông "vẫn an toàn, ổn định" và kêu gọi công dân Việt Nam tại Bangladesh "tự ý thức bảo vệ bản thân và gia đình, không đến các khu vực đông người có nguy cơ xảy ra biểu tình".
Việt Nam đã đề nghị cơ quan chức năng các nước sở tại ở khu vực Trung Đông cũng như của Bangladesh và Myanmar "đảm bảo cung cấp an toàn tối đa cho công dân Việt Nam". Các cơ quan Việt Nam phải chủ động xây dựng và triển khai phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết, theo ông Việt.
"Chúng tôi lưu ý công dân tại các nước trên cần thường xuyên theo dõi thông tin, khuyến cáo của chính quyền sở tại, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện của Việt Nam để phản ứng kịp thời", ông nói.
Tại Bangladesh, biểu tình bạo lực diễn ra suốt nhiều tháng để phản đối chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức, trong đó ưu tiên tuyển dụng con cháu cựu chiến binh. Bất chấp Tòa án Tối cao Bangladesh đã ra phán quyết yêu cầu điều chỉnh lại chính sách, các cuộc biểu tình kêu gọi cựu thủ tướng Sheikh Hasina vẫn tiếp tục.
Bà Hasina ngày 5/8 chấp nhận từ chức và lên trực thăng rời Bangladesh trước sức ép của các cuộc biểu tình. Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin ngày 6/8 quyết định giải tán quốc hội, mở đường để tổ chức tổng tuyển cử. Hơn 450 người đã chết vì đụng độ trong các cuộc biểu tình tại quốc gia Nam Á này.
Căng thẳng tại Trung Đông leo thang sau trận không kích nhằm vào ngoại ô thủ đô Beirut, Lebanon khiến chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr thiệt mạng và vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, Iran hồi cuối tháng 7.
Israel bị cáo buộc thực hiện các vụ tấn công nói trên, song chỉ nhận trách nhiệm về đòn tập kích hạ chỉ huy Shukr. Iran và Hezbollah, Hamas tuyên bố sẽ trả đũa Israel.
Trong khi đó, Israel cảnh báo sẽ cân nhắc phương án đánh phủ đầu nếu phát hiện bằng chứng chắc chắn rằng Iran đang chuẩn bị tấn công, song cho biết coi đây là lựa chọn cuối cùng.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ đường dây nóng Bảo hộ công dân:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +95 9660 888 998.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh: +880 1711 595 379.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập (kiêm nhiệm Lebanon): +201 02 613 9869.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Iran: + 98 21 224 11670.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Israel: +972 50 818 6116.
- Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.
Vũ Anh - Nguyễn Tiến