"Tình hình bạo lực tại Haiti hiện nay diễn biến rất phức tạp, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 14/3 cho biết khi được hỏi về công tác bảo hộ công dân Việt Nam trước làn sóng bạo động ở Haiti.
Bà Hằng cho biết khoảng 70-80 người Việt đang sinh sống tại Haiti và họ tới nay vẫn an toàn. Việt Nam đang theo dõi sát tình hình ở Haiti và khuyến cáo tất cả công dân không đến những nơi đang xảy ra xung đột.
"Công dân Việt Nam ở địa bàn cần theo dõi sát tình hình, chủ động tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết và tuân thủ nghiêm các quy định của chính quyền sở tại, liên hệ ngay với đại sứ quán Việt Nam tại Cuba kiêm nhiệm Haiti hoặc tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao khi cần trợ giúp", bà nói.
Tình trạng bạo lực băng đảng leo thang ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti từ cuối tháng 2, khi Thủ tướng Ariel Henry công du ở Kenya. Các nhóm băng đảng liên kết với nhau gây bạo lực trên đường phố để lật đổ chính phủ của Thủ tướng Henry.
Chính phủ Haiti ngày 3/3 ban bố tình trạng khẩn cấp để "thiết lập lại trật tự và thực hiện biện pháp thích hợp nhằm kiểm soát tình hình". Trong khi đó, Jimmy Cherizier, thủ lĩnh băng đảng khét tiếng ở Haiti, ngày 5/3 cảnh báo hỗn loạn ở Port-au-Prince sẽ dẫn đến nội chiến và "diệt chủng" nếu ông Henry không từ chức.
Thủ tướng Henry ngày 11/3 chấp nhận từ chức trước áp lực của các băng đảng. ÔNg Henry đưa ra tuyên bố sau khi các lãnh đạo khu vực Caribe họp bàn cùng thành viên các đảng phái chính trị, đại diện lĩnh vực tư nhân, xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo Haiti ở Jamaica để thảo luận việc thành lập hội đồng chuyển tiếp nhằm mở đường cho cuộc bầu cử đầu tiên ở nước này kể từ năm 2016.
Vũ Anh - Nguyễn Tiến