"Việc một số tài khoản được cho là xuất phát từ Việt Nam bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội vừa qua không đại diện cho quan điểm của chính phủ và nhân dân Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm nay cho biết.
Bà Hằng đưa ra bình luận sau khi được đề nghị nêu quan điểm của Việt Nam về yêu cầu từ phía Campuchia đề nghị hợp tác điều tra thông tin một số tài khoản mạng xã hội được cho là của công dân Việt Nam có lời lẽ chưa đúng mực trên tài khoản của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
"Chúng tôi không đồng tình với các ý kiến, bình luận mang tính kích động, chia rẽ tình cảm giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước", bà Hằng nói.
Theo người phát ngôn, các cơ quan chức năng hai bên có biện pháp để giúp nhân dân và thế hệ tương lai hai nước hiểu về quan hệ song phương, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia phát triển hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
"Chúng tôi tin Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dự án kênh đào Funan Techo cũng như nghiên cứu về tác động xuyên biên giới của dự án, qua đó bảo đảm lợi ích hài hòa của các quốc gia và người dân sinh sống ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong", người phát ngôn cho biết.
Trong họp báo hôm 9/5, bà Hằng cho biết Việt Nam chưa có đủ thông tin để đánh giá mức độ tác động của dự án kênh đào Funan Techo và mong muốn Campuchia chia sẻ đầy đủ.
Ông Hun Sen hôm 16/5 ra thông điệp đặc biệt về kênh Funan Techo, cho hay đã khuyên Thủ tướng Hun Manet chỉ đạo khởi công kênh đào, nhấn mạnh dự án cần "được xây dựng càng sớm càng tốt" và Thủ tướng Hun Manet "không cần phải chờ đợi thêm nữa".
Lãnh đạo CPP nói dự án sẽ giúp Campuchia tăng hiệu quả khai thác thủy sản, điều tiết lũ, phát triển du lịch và có lợi cho người dân nước này. "Chúng ta không nên để bạn bè chịu thiệt thòi vì chúng ta, nhưng cũng không thể tự nhận phần thiệt vì bạn bè", ông tuyên bố.
Dự án kênh đào Funan Techo được Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê chuẩn vào tháng 5/2023, dự kiến nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Thông báo hồi tháng 8/2023 được Ủy ban Mekong Quốc gia Campuchia (CNMC) gửi Ủy hội Sông Mekong cho biết kênh đào Funan Techo có chiều dài 180 km với ba khóa điều chỉnh mực nước và 11 cây cầu, đủ năng lực phục vụ tàu có trọng tải toàn phần 1.000 tấn đi qua, phục vụ vận tải đường thủy nội địa.
Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol ngày 7/5 nói kênh sẽ có chiều rộng 100 m và độ sâu tới 5,4 m cho phép "sà lan và tàu có trọng tải 3.000 tấn" đi qua.
Như Tâm