Joe Galloway là phóng viên chiến trường Mỹ ở Việt Nam cuối thập niên 60 và là người chứng kiến một trong những trận chiến ác liệt nhất giữa quân đội giải phóng và lính Mỹ, trận Yađrăng. Ông trở lại thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn cựu binh Mỹ nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn, và ghi lại những cảm xúc của mình trước một Việt Nam hoà bình và thịnh vượng.
Những con phố cũ quen thuộc vẫn còn đây, nhưng giờ đây hai bên đường là đầy các cửa hàng bán những món đồ sang trọng, thay vì những bar lộn xộn xưa kia.
Một phụ nữ trong trang phục truyền thống vẫy cờ trong đoàn diễu hành ngày 30/4 ở TP HCM. |
Với tôi, người Việt Nam vẫn là những người lao động chăm chỉ và kiên định mà tôi từng biết. Có tới 60% dân thành phố bây giờ trẻ hơn tuổi 30, và đối với họ, cuộc chiến chỉ được biết đến chủ yếu qua sử sách.
Đất nước và con người ở đây đã khác xa với thời tôi đến và sau đó ra đi. Trong nội đô, những toà nhà thuộc địa màu vàng khi xưa còn sống qua chiến tranh đã được cải tạo. Những toà tháp văn phòng và cao ốc vươn hẳn lên trên những "người hàng xóm".
Giờ đây, người ta nói nhiều đến việc làm ăn kinh doanh - và ở đây việc làm ăn đang tiến triển tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm ngoái là 7,7%. Tuy thế , ở những miền nông thôn như Quảng Trị chẳng hạn, đời sống vẫn còn khó khăn.
Người Mỹ gọi cuộc chiến 30 năm trước là "Chiến tranh Việt Nam", còn người Việt Nam gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ. "Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc chiến đấu chống xâm lược trong hàng nghìn năm qua, và chúng tôi không bao giờ gọi là chiến tranh Việt Nam cả, bởi điều đó không có ý nghĩa", một hướng dẫn viên trẻ và sôi nổi nói với tôi.
40 năm trước, chúng ta đến đây với suy nghĩ đơn giản. Chúng ta là một siêu cường và muốn ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Chiến tranh tưởng là đơn giản - nhưng cuối cùng hoá ra là vô cùng phức tạp và tốn kém, nặng nề hơn rất nhiều so với những gì các nhà kiến trúc sư của chiến tranh nghĩ ra. Cuộc chiến của hơn 3 thập kỷ trước chính là như thế.
Cuộc chiến đã tước đi ghế tổng thống Mỹ của Lyndon B. Johnson - người ra lệnh điều quân đến Việt Nam. Cuộc chiến khiến thanh niên Mỹ xuống đường phản đối rầm rộ và góp một phần vào việc đẩy người kế nhiệm của ông ta là Richard Nixon khỏi Nhà Trắng. Vị tổng thống thứ ba, Gerald Ford, thừa hưởng một cuộc chiến bị ghét bỏ và kết thúc trong sự hỗn loạn và thất bại.
Đối với những người bị mắc vào giữa - những thường dân, nông dân, cuộc chiến là chết chóc và đau thương. Hơn 1,5 triệu người Việt đã thiệt mạng trong khoảng thời gian 10 năm trước 1975.
Tôi nghĩ đến tất cả những người đó.
Cuộc chiến đã đưa đến cho tôi những người bạn tốt nhất trong đời và cũng lấy họ đi khỏi tôi gần như ngay lập tức.
Năm 1995 tôi và trung tướng Hal Moore tới Hà Nội gặp người vợ và các con của tướng Nguyễn Hữu An. Một trong những thứ mà ông để trong chiếc hộp đựng kỷ vật là cuốn sách chúng tôi viết, về trận đánh ở Yađrăng.
Tôi cũng nhớ đến đại tá Vũ Đình Thước, người từng tham gia đánh trận Điện Biên Phủ và sau đó chỉ huy một sư đoàn trong chiến dịch cuối cùng tấn công vào Sài Gòn. Một lần trở lại chiến trường cũ, ông vỗ vào ngực tôi và nói: "Anh có một trái tim người lính. Tôi cũng có một trái tim người lính. Tôi mừng là chúng ta đã không bắn nhau". Tôi cũng nghĩ y như thế.
Tôi mừng vì hoà bình và sự thịnh vượng đã đến với Việt Nam. Giờ đây, không có chỗ cho sự tức giận hay chua chát, chỉ có những hồi ức trong mỗi người.
T. Huyền (dịch từ Kansas City Star)