UAE - Bahrain (bảng A, ngày 5/1)
Trận khai mạc của giải đấu hứa hẹn hấp dẫn khi hai đội bóng là những kình địch cạnh tranh nhau ở khu vực Tây Á. Ở giải đấu bốn năm trước trên đất Australia, UAE giành vị trí thứ ba sau khi đánh bại Bahrain ở vòng bảng. Ali Mabkhout ghi bàn thắng nhanh nhất lịch sử Asian Cup ở giây thứ 14 giúp UAE có chiến thắng 2-1. Ở lần tái đấu này, Bahrain có cơ hội để phục thù.
Hàn Quốc - Philippines (bảng C, ngày 7/1)
Hàn Quốc là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, còn Philippines mới lần đầu được dự Asian Cup. Đây được xem là trận mở màn vô cùng khó khăn cho thầy trò Sven-Goran Eriksson, vì Hàn Quốc đặt nhiều quyết tâm ở giải năm nay. Đội bóng từng hai lần vô địch và vào chung kết bốn năm trước muốn chấm dứt cơn khát gần 60 năm, kể từ lần cuối đăng quang vào 1960.
Việt Nam - Iraq (bảng D, ngày 8/1)
Hai đội bóng tiềm năng của giải đấu chạm trán ngay trận ra quân. Đây là cuộc đọ sức giữa nhà vô địch Asian Cup 2007 và quán quân AFF Cup 2018. Trong lần đối đầu gần nhất tại Asian Cup, Iraq thắng Việt Nam 2-0 ở tứ kết 2007, nhờ cú đúp của tiền đạo Younis Mahmoud. Tuy nhiên, nhiều thay đổi đã diễn ra từ thời điểm đó. Iraq đang có dấu hiệu đi xuống sau khi Mahmoud giải nghệ, còn Việt Nam trên đà thăng tiến nhờ sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo.
Nhật Bản - Turkmenistan (bảng F, ngày 9/1)
Đội bóng giữ kỷ lục bốn lần vô địch Asian Cup sẽ mở màn chiến dịch bằng trận đấu với Turkmenistan. Lần gần nhất Nhật Bản vô địch là ở giải đấu năm 2011. Trong khi đó, đây mới là lần thứ hai Turkmenistan được tham dự Asian Cup. Ở lần đầu tiên năm 2004, đại diện Trung Á tham dự và chứng kiến đội vô địch là Nhật Bản.
UAE - Ấn Độ (bảng A, ngày 10/1)
Bên cạnh Philippines, Ấn Độ là một trong những đội bóng có nhiều cầu thủ nhập tịch nhất ở Asian Cup 2019. Họ có thể hy vọng vào sự cổ vũ của một lượng lớn người nước ngoài đang làm việc tại Abu Dhabi. Lần gần nhất Ấn Độ dự Asian Cup là năm 2011, thua cả ba trận ở giải năm đó. Họ đang cố gắng cải thiện thành tích và kiếm được điểm đầu tiên ở sân chơi châu lục kể từ năm 1984.
Uzbekistan - Turkmenistan (bảng F, ngày 13/1)
Đây là lần thứ hai trận derby Trung Á diễn ra ở một kỳ Asian Cup. Trong lần đầu tiên dự giải năm 2004, Turkmenistan thua Uzbekistan 0-1 ở vòng bảng, bởi bàn thắng của Alexander Genyrikh. Ở lần tái đấu này, Uzbekistan vẫn được đánh giá cao hơn và xem như ngọn cờ tiên phong của bóng đá Trung Á.
Australia - Syria (bảng B, ngày 15/1)
Nhà ĐKVĐ đối đầu Syria ở lượt cuối vòng bảng, tái hiện trận play-off tranh vé đi World Cup 2018 hồi tháng 10/2017. Khi đó, Australia giành chiến thắng với tổng tỷ số 3-2 sau hiệp phụ trận lượt về. Ở trận tái đấu này, Syria tràn đầy hy vọng phục thù khi có trong đội hình Cầu thủ xuất sắc châu Á năm 2017 là Omar Khribin, cũng như ngôi sao Omar Al Soma trên hàng công.
Hàn Quốc - Trung Quốc (bảng C, ngày 16/1)
Hai ông lớn của bóng đá Đông Á phải chạm trán nhau ngay ở vòng bảng là trận đấu khó có thể bỏ qua. Lần gần nhất hai đội gặp nhau ở Asian Cup là từ năm 2000, kết thúc với tỷ số 2-2. Ở lần đối đầu gần nhất tại vòng loại World Cup 2018, Hàn Quốc thắng 3-2 tại Seoul và Trung Quốc thắng lại 1-0 khi chơi trên sân nhà Trường Sa.
Iran - Iraq (bảng D, ngày 16/1)
Đây được đánh giá là trận đấu nhiều người chờ đợi ở vòng loại trực tiếp hơn vòng bảng. Tại tứ kết bốn năm trước, Iran và Iraq cống hiến cuộc rượt đuổi hấp dẫn kết thúc với tỷ số 3-3 sau hiệp phụ. Trong loạt đá luân lưu, Iraq bất ngờ thắng với tỷ số 7-6. Iran từng ba lần vô địch châu Á, nhưng lần cuối từ năm 1976. Trong khi đó, Iraq mới lên ngôi năm 2007, và sở hữu thành tích thi đấu tốt hơn ở những giải gần đây. Yếu tố này giúp Iraq hy vọng gieo sầu cho người hàng xóm thêm một lần nữa.
Ả-rập Xê-út - Qatar (bảng E, ngày 17/1)
Gần hai thập niên kể từ lần gần nhất hai đội gặp nhau ở một kỳ Asian Cup. Tại giải năm 2000, Ả-rập Xê-út hòa Qatar 0-0 cũng ở vòng bảng. Trận hòa này góp phần giúp hai đội vào tứ kết giải năm đó. Đây cũng là thành tích cả hai muốn lặp lại khi kết thúc vòng bảng năm nay.
Bảo Lam