"Chúng tôi mong muốn các nước, tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, vaccine để sớm kiểm soát và đẩy lùi Covid-19", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, cho hay Việt Nam hoan nghênh và trân trọng mọi sự giúp đỡ của các quốc gia và đối tác trong công cuộc phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu được bà Hằng đưa ra khi bình luận về việc Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) gửi thư đề nghị Tổng thống Joe Biden tăng cường phân phối vaccine Covid-19 cho các nước đối tác, trong đó có Việt Nam. AAFA cũng cho biết đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính về ủng hộ các nỗ lực chống dịch.
"Về phần mình, Việt Nam đã và đang tích cực hợp tác, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống đại dịch Covid-19", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói thêm.
AAFA đại diện cho 1.000 doanh nghiệp hồi cuối tháng 7 gửi thư đề nghị Tổng thống Biden gửi thêm vaccine Covid-19 cho Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho thị trường Mỹ.
90 giám đốc điều hành các nhãn hàng may mặc hàng đầu Mỹ sau đó cũng gửi thư cho Tổng thống Biden, nhấn mạnh Việt Nam là đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ nhưng đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng. Do tính liên thông trong chuỗi giá trị, ngành sản xuất Việt Nam sử dụng 3 triệu lao động tại Mỹ trong vai trò cung ứng với các ngành sản xuất, vốn phụ thuộc trực tiếp và rất lớn vào sức khoẻ của công nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp cho rằng khôi phục nhanh chóng các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu của Việt Nam, thông qua chương trình cung cấp vaccine, sẽ làm giảm những ảnh hưởng tác động trực tiếp đến nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng ở những lĩnh vực, ngành hàng liên quan đến thị trường và doanh nghiệp Mỹ.
Đến nay, Việt Nam tiếp nhận hơn 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại. Cả nước đã tiêm được 15,5 triệu liều vaccine, trong đó 14 triệu người tiêm mũi một, gần 1,5 triệu người tiêm đủ hai mũi.
Vũ Anh