Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội toàn cầu đang đứng trước những đổi thay sâu sắc và khó lường, đặc biệt dưới tác động của Covid-19, việc phát triển một nền kinh tế số tinh gọn, thuận tiện, hiệu quả, giảm thiểu tương tác trực tiếp và các quy trình thủ tục cồng kềnh đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình số hóa ngành kinh tế, đặc biệt trên phương diện tài chính tiền tệ, vốn là lĩnh vực còn những trở ngại nhất định trong phổ cập kiến thức và chuyển đổi hành vi cộng đồng. Chính phủ đang tập trung xây dựng hành lang chính sách và quan hệ đối tác với các bên liên quan, nhằm triển khai các giải pháp và củng cố nền tảng vững bền cho nền kinh tế số.
Thanh toán không tiền mặt - trụ cột nền kinh tế số
Theo báo cáo 2019 của Ngân hàng Thế giới về "Kinh tế số tại Đông Nam Á - Xây dựng nền tảng cho phát triển tương lai", 6 trụ cột quan trọng của nền kinh tế số phát triển bao gồm kết nối, thanh toán, kỹ năng, hậu cần, các quy định và chính sách.
Trong đó, thanh toán ứng dụng công nghệ kỹ thuật số được xem là động lực, song cũng là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng 4.0. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có để tận dụng lợi thế của các hình thức thị trường không dùng tiền mặt nhằm thúc đẩy thương mại, sản xuất và tiêu dùng. Chỉ trong một năm qua, nhiều người tiêu dùng tại Hà Nội đã chủ động chuyển sang thanh toán phi tiền mặt. Hàng trăm nghìn hộ kinh doanh trên toàn quốc cũng đã tham gia vào mạng lưới các công ty công nghệ tài chính lớn, tìm kiếm cơ hội trong một thị trường số hóa đang không ngừng lớn mạnh.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, dù đã có nhiều người Việt làm quen với các hình thức thanh toán điện tử, hầu hết các giao dịch lớn nhỏ trên thị trường hiện nay vẫn dựa vào tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Theo số liệu năm 2019 của Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng 41% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.
Các chuyên gia nhận định, tiền mặt đã có lịch sử vận hành sôi động tại Việt Nam, do đó không dễ thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những thách thức của thanh toán không dùng tiền mặt. Cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, từ đó mang lại tăng trưởng toàn diện và trao quyền cho mọi người.
Chung tay xây dựng hệ sinh thái không tiền mặt
Dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu tại các thị trường trên thế giới, Mastercard đánh giá Việt Nam sẽ có tốc độ chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt nhanh hơn trong vài năm tới, đặc biệt với sự chia sẻ cởi mở và sự bắt tay hợp tác giữa hai khối công - tư. Đây cũng là tiền đề triển khai các sáng kiến như Ngày Thẻ Việt Nam 2020 với chuỗi các sự kiện diễn ra trong các ngày 7-8/11 và 9-15/11.
Ngày Thẻ Việt Nam 2020 do Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự đồng hành của các đối tác chiến lược như Mastercard, sẽ đem đến cho người dùng cơ hội trải nghiệm lễ hội mua sắm "Sóng Festival" tại sân vận động Bách Khoa, Hà Nội và tuần lễ khuyến mại Mega Sales trên cả nước. Các đơn vị đối tác sẽ tham gia tư vấn trong khuôn khổ sự kiện, giúp người dùng tiếp cận các dịch vụ thanh toán hiện đại và tiện ích, từng bước hình thành thói quen thanh toán dùng thẻ nói riêng và thanh toán không dùng tiền mặt nói chung.
Sự kiện là một trong những bước đệm giúp giới trẻ hiểu và thay đổi thói quen thanh toán, từ đó thúc đẩy hình thành hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt đơn giản, dễ dàng truy cập, tiến đến xây dựng một nền kinh tế số toàn diện.
Trong những năm qua, Chính phủ đã không ngừng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nội địa hay quốc tế như Mastercard, triển khai các mô hình ví điện tử, ngân hàng trực tuyến, hay tích hợp thanh toán điện tử vào các dịch vụ công... Các sáng kiến này cùng với mức độ thâm nhập Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao tại Việt Nam, đang từng bước kiến tạo một hệ sinh thái không tiền mặt ngày một đa dạng, hấp dẫn.
Tham gia gian trưng bày của Mastercard tại Ngày Thẻ Việt Nam 2020, giới trẻ đã có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa và nhận quà lưu niệm. Khách hàng may mắn nhất đã có cơ hội bốc thăm nhận ba phần quà là bộ sưu tập độc quyền UEFA Champions League và thẻ Mastercard có giá trị 4,6 triệu đồng.
Vũ Khánh