Bàn thắng: Hải Yến 92'
Bàn thắng duy nhất của chung kết SEA Games 30 được ghi ngay phút thứ hai của hiệp phụ thứ nhất. Từ sát chấm phạt góc, Tuyết Dung đá phạt vào khu 5m50. Tiền đạo cao trên 1m80 của Thái Lan - Taneekarn Dangda - đánh đầu phá bóng ra phía sau, dù thủ môn Waraporn Boonsing đã băng ra. Bóng rơi ngay đà băng vào của tiền đạo vào thay người Phạm Hải Yến. Từ cự ly gần, tiền đạo Hà Nội đánh đầu căng, mang về tấm HC vàng cho Việt Nam.
Tại SEA Games 30, Hải Yến không có phong độ cao như hồi đá giải vô địch Đông Nam Á cuối tháng 8. Pha làm bàn vào lưới Thái Lan mới là lần mừng công đầu tiên của tiền đạo 25 tuổi, nhưng nó lại giúp Việt Nam bảo vệ thành công tấm HC vàng bóng đá nữ. Với tấm HC vàng năm nay, Việt Nam có sáu lần đăng quang tại SEA Games, hơn một so với kỳ phùng địch thủ Thái Lan.
Hải Yến là "lá bài trong tay áo" được HLV Mai Đức Chung cất cho trận chung kết. Ở những trận trước đó, Việt Nam luôn chơi với sơ đồ 4-4-2, với cặp tiền đạo Hải Yến - Huỳnh Như. Tuy nhiên, trong trận quyết định, ông thầy họ Mai chuyển chiến thuật về 4-5-1. Nguyễn Thị Vạn thay Hải Yến đá chính, giúp Việt Nam nhỉnh hơn ở cuộc chiến giữa sân nhờ có năm tiền vệ. Chính tiền vệ của Than khoáng sản Việt Nam là người tạo ra tình huống đáng chú ý đầu tiên ở phút thứ sáu, khi sút bóng trúng xà ngang.
Sự xông xáo của Nguyễn Thị Vạn, Tuyết Dung, Nguyễn Thị Xuyến bênh cánh trái và Bích Thùy, Phạm Thị Tươi bên cánh phải khiến Thái Lan bất ngờ về thể lực của các học trò HLV Mai Đức Chung. Khi trận đấu trôi về những phút cuối, sau đó là hiệp phụ, nhiều cầu thủ Thái Lan bị chuột rút. Họ không giữ được sự tỉnh táo trong những tình huống cố định, và hệ quả là pha phá bóng bất cẩn của Taneekarn Dangda, em gái tiền đạo nổi tiếng Teerasil Dangda.
Tại chung kết giải vô địch Đông Nam Á cách đây ba tháng, Huỳnh Như từng bị thẻ đỏ, ngay sau khi ghi bàn, vì lỗi cởi áo mừng bàn thắng. Ở chung kết SEA Games 30, tiền đạo dày dạn kinh nghiệm của bóng đá Việt Nam cũng nhận thẻ, nhưng là một tấm thẻ đầy toan tính. Cô lững thững đi bộ rời sân, khi được HLV rút ra nghỉ, để đồng đội có thêm thời gian nghỉ ngơi. Khi hết trận, Huỳnh Như không tự đi lên bục nhận huy chương, và phải nhờ người cõng.
Chiến thắng quả cảm của bóng đá nữ Việt Nam còn được thể hiện ở hình ảnh Chương Thị Kiều. Trung vệ quê Kiên Giang bị rướm máu ở đùi non ngay đầu hiệp một, nhưng cắn răng đá tiếp. Phần lớn thời gian thi đấu, trung vệ đang đầu quân cho TP HCM phải đeo băng trắng quanh đùi và đầu gối. Tuy nhiên, cô vẫn chơi lăn xả và khóa chặt các mũi nhọn nguy hiểm phía Thái Lan.
SEA Games 30 là kỳ đại hội đầu tiên Kim Thanh trấn giữ khung thành Việt Nam thay đàn chị Kiều Trinh. Giống phần lớn đồng đội, thể lực của người gác đền quê Long An không đảm bảo ở chung kết. Mỗi khi phát bóng lên, thủ môn 26 tuổi lại cắn răng nhịn đau, trước khi phải nhờ đồng đội phát bóng hộ ở cuối hiệp phụ thứ hai.
Vết đau ở chân không ngăn Kim Thanh chơi ngày càng chững chạc. Sau khi tỏa sáng ở bán kết thắng Philippines 2-0, thủ môn của TP HCM tiếp tục làm nản lòng Thái Lan tối 8/12. Mọi đường treo bổng vào cấm địa Việt Nam đều bị cô hóa giải. Bình tĩnh khi phán đoán điểm rơi, chắc chắn, dũng mãnh khi xuất tướng, Kim Thanh có đóng góp không nhỏ trong việc giúp Việt Nam trở thành đội có hàng thủ chắc chắn nhất SEA Games 30, với chỉ một bàn thua.
Thái Lan, sau khi suýt thua Việt Nam ở vòng bảng, tiếp tục sử dụng lối chơi tạt cánh đánh đầu ở chung kết. Tuy nhiên, sự nhỉnh hơn về thể hình, thể lực không giúp các cô gái xứ chùa vàng có một thế trận lấn lướt. Cả hai đội cùng có chín lần dứt điểm, sáu cú sút trúng đích sau 120 phút.
Hai pha bóng đáng kể nhất của Thái Lan đến ở nửa đầu hiệp hai, sau khi cầu thủ dày dạn kinh nghiệm Kanjana Sungngoen vào sân. Taneekarn Dangda và Kanyanat Chetthabutr thoải mái dứt điểm trong thế trống trải, sát chấm đá 11m, nhưng bóng đều đi đúng vị trí mà Kim Thanh chọn sẵn. Cũng trong khoảng thời gian này, Taneekarn còn đưa được bóng vào lưới Việt Nam ở phút 51 nhưng trọng tài biên người Australia, Joanna Charaktis căng cơ báo việt vị từ trước.
Đội hình xuất phát
Việt Nam: Kim Thanh; Nguyễn Thị Xuyến, Chương Thị Kiều, Phạm Thị Tươi, Hồng Nhung; Bích Thùy, Thái Thị Thảo, Tuyết Dung, Dương Thị Vân, Nguyễn Thị Vạn, Huỳnh Như.
Thái Lan: Waraporn Boonsing; Natthakarn Chinwong, Philawan, Warunee Phetwiset, Thongsombut; Chetthabutr, Thongsombut, Chaiyarak, Orapin Waenngoen, Saengchan, Nildhamrong.
Thắng Nguyễn
Xem diễn biến chính