Thông tin được ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cung cấp tại hội thảo tổng kết dự án loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone (HCFC) giai đoạn II ở Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ngân hàng thế giới tổ chức, chiều 18/12.
Dự án được triển khai từ năm 2018 đến nay với kinh phí gần 9 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế để giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình đã cam kết tại Nghị định thư Montreal.
Trong 5 năm, Việt Nam đã giảm được 1.000 tấn HCFC đúng như cam kết tại Nghị định thư Montreal. "Dự án đã hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh chuyển đổi công nghệ, tăng cường năng lực bảo dưỡng thiết bị lạnh, điều hòa không khí", ông Cường nói về phương pháp thực hiện mục tiêu.
Cùng với đó, dự án đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC 141b (chất góp phần phá hủy tầng ozone) trộn sẵn trong polyol của lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt. Việc này được thực hiện bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi công nghệ, thiết lập trạm trộn dầu nhiên liệu nặng.
Theo ông Cường, dự án cũng đã góp phần giảm thiểu tương đương 1,4 triệu tấn CO2 mỗi năm. Đồng thời, đào tạo cho 350 cán bộ hải quan cả nước về việc kiểm soát xuất khẩu, nhập khẩu các chất HCFC. Việt Nam sẽ loại bỏ hơn 65% chất HCFC vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
"Kết quả này thể hiện đóng góp của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực hàn gắn tầng ozone và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất", ông Cường nói và cho rằng dự án cũng góp phần nâng cao vị thể của doanh nghiệp Việt trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban Phát triển bền vững, Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam đã thành công khi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện cam kết tại Nghị định thư Montreal. "Đây là con số rất đáng kể. Để triển khai thành công dự án này có thể thấy Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động khác nhau trong đó nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi", ông Ahmed Eiweida nói.
Từ năm 2024, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ngưng tiêu thụ và loại trừ dần các chất HFC (chất không phát hủy tầng ozone nhưng gây hiệu ứng nhà kính mạnh). Theo Cục Biến đổi khí hậu, lượng tiêu thụ HFC ở nước ta đang tăng, nếu như năm 2018 là 5 triệu tấn mỗi năm thì hiện đã hơn 10 triệu tấn, con số này sẽ lên 45 triệu tấn vào năm 2045 nếu như không có kế hoạch loại trừ.