Việt Nam già trước khi giàu
Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào đầu tháng 5 vừa qua, Việt Nam nằm trong danh sách các nước châu Á có nguy cơ “già trước khi giàu” – hiện tượng một quốc gia không đạt được ngưỡng thu nhập cao trước khi dân số bị già hoá.
Mỗi quốc gia có một "đỉnh" về dân số lao động, tức là qua ngưỡng đó, dân số sẽ bắt đầu già hóa. Nếu lấy thu nhập của nước Mỹ làm giá trị so sánh, thì Việt Nam khi đạt đến "đỉnh" chỉ có GDP sức mua bằng 1/10.
Con số này ở Trung Quốc là 20.7% (2011), và Thái Lan là 28.9%. Các nước “giàu” thường có thu nhập bình quân ít nhất đạt 70% của nước Mỹ trước khi lao xuống bên kia sườn dốc của tuổi già.
GDP theo sức mua của các nước khi dân số lao động đạt đỉnh so với nước Mỹ (100%) |
Ở một khía cạnh khác, để lo được cuộc sống về già, phần lớn lao động sẽ phải phụ thuộc vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2015, tổng số người tham gia BHXH ở Việt Nam là 12,14 triệu người, mới chỉ tương đương với 22.3% tổng số lực lượng lao động. Đồng nghĩa với việc 77.7% lao động còn lại phải “tự bảo hiểm” cho chính mình hoặc trông cậy vào con cháu.
Trong khi đó, tỷ lệ dân số già phụ thuộc của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Theo World Bank, tỷ lệ dân số già phụ thuộc có thể chiếm tới 1/5 dân số vào năm 2035.
Với những người tham gia BHXH, mối lo lớn nhất là vỡ quỹ. Bộ Lao động dẫn một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi. Đây cũng là lý do chính cho đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu gây tranh cãi vừa qua.