Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào năm 2015 với mục tiêu hướng tới tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động.
Là nước thành viên, Việt Nam trong những năm qua đã tích cực cải cách và cơ bản đã có những chuẩn bị sẵn sàng cho AEC. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Việt Nam còn phải đối đầu với khá nhiều khó khăn, xuất phát từ những bất cập hệ thống thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cầu hạ tầng.
Trong lĩnh vực tự do hóa đầu tư, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét Việt Nam hiện đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh, tuy nhiên, mức độ cho phép tham gia góp vốn vẫn ở mức trung bình thấp.
“Việt Nam chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 49% vốn tại các doanh nghiệp niêm yết, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ này lên 75%, 100%”, ông nói. Việt Nam cũng bị đánh giá thấp về dịch chuyển lao động có kỹ năng, khi quan điểm việc làm phải dành nhiều hơn cho lao động trong nước.
Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết của Việt Nam bị đánh giá yếu. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho hay Việt Nam tham gia khá đầy đủ các cam kết, song trên thực tế thì mức độ thực thi và nhận biết của doanh nghiệp rất thấp. “Doanh nghiệp Việt Nam cứ làm, đến khi bị công an xử lý mới bắt đầu học. Nếu doanh nghiệp biết mà học trước thì có thể tránh được nhiều chi phí. Nguyên nhân chủ yếu do sự phổ biến các quy định còn yếu và doanh nghiệp cũng thiếu nguồn lực tài chính, năng lực quản lý kém”, vị này nhận định.
Bà Trần Bình Minh - chuyên gia thuộc CIEM cũng tán đồng Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi tham gia AEC, đó là khả năng cạnh tranh về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy định về môi trường kinh doanh do vấn đề sở hữu chéo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam có những tiến bộ trong việc sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thúc đẩy một khu vực kinh tế cạnh tranh; đang hướng đến những sân chơi có chất lượng cam kết cao hơn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam - EU, Hiệp định FTA với Hàn Quốc…
Để củng cố nỗ lực chuẩn bị hướng tới AEC 2015, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết, tăng cường kinh tế vĩ mô, cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực thể chế và doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội ứng phó với khủng hoảng, bảo đảm sự tham gia sâu rộng của mọi tầng lớp trong xã hội. Ngoài ra, môi trường kinh doanh trong nước cũng cần được cải cách mạnh mẽ, song hành với nâng cao chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực cùng với khuôn khổ pháp lý thông suốt để tham gia hiệu quả hơn vào sân chơi chung.
Phương Linh