Theo Bộ Y tế, hiện nay dân số Việt Nam khoảng 93,4 triệu người. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã hạn chế, tránh sinh hơn 27 triệu người, tương đương 27 tỉnh có quy mô dân số ở mức trung bình hiện nay. Xu hướng mức sinh thấp hiện hữu ở nhiều tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ với báo chí ngày 11/7, giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng, kinh nghiệm của nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… cho thấy để mức sinh giảm quá sâu sẽ không phục hồi được. Những nước này phải rất lâu sau khi đạt được mức sinh thay thế mới điều chỉnh chương trình kế hoạch hóa gia đình, do đó dân số trở nên già hóa và thiếu hụt nguồn lao động. Mức sinh phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, càng phát triển thì con người càng sinh ít con.
“Đây cũng là bài học cho Việt Nam không nên điều chỉnh chính sách quá muộn. Đã đến lúc nước ta nên nới lỏng, thậm chí là xóa bỏ chính sách sinh 2 con”, giáo sư Cử nhấn mạnh.
Chuyên gia này dẫn 5 lý do để quyết định nới lỏng chính sách sinh con. Theo đó, thứ nhất dù được cho phép nhưng với xu hướng giảm sinh người dân sẽ vẫn không sinh thêm. Trung Quốc là một ví dụ. Thứ hai, hiện nay lứa sinh sản là từ 35 tuổi trở xuống - những người thuộc thế hệ 8x. Đây là thế hệ thanh niên được giáo dục về dân số kế hoạch hóa gia đình tốt, thế hệ Internet với lối sống hiện đại không muốn sinh nhiều con.
Ngoài ra, theo giáo sư Cử, trong hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, người dân được tuyên truyền nhiều và thấy rõ lợi ích của việc sinh ít con. Mặc khác, nới lỏng chính sách sinh con cũng phù hợp với pháp luật quốc tế. Việt Nam đã ký công ước quốc tế CEDAW trong đó có điều khoản các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Cuối cùng giáo sư Cử cho rằng mức sinh đã giảm thấp. 12 năm nay Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 2,1 con.
Cũng theo ông, ngày nay việc lựa chọn sinh con trai hay con gái không phải do sinh ít con. Thực tế tại TP HCM, khu vực Tây Nguyên người dân sinh ít nhưng tỷ lệ giới tính khi sinh không cao như đồng bằng sông Hồng. Vấn đề cốt lõi của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là văn hóa do ảnh hưởng của Nho giáo hàng nghìn năm.
Phụ nữ TP HCM sinh con ít nhất cả nước
Gần đây, làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế chuẩn bị Đề án về công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu xây dựng chiến lược dân số trong thời gian tới. Mục tiêu cần xác định là nên hạn chế sinh, vẫn tiếp tục kiểm soát sinh như hiện nay hay nới lỏng chính sách sinh 2 con…
Pháp lệnh Dân số (ban hành năm 2003) quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, pháp lệnh này khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này được sửa thành "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con".
Gần đây do xu hướng giảm sinh tại một số tỉnh thành, ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn thành "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con".
Có 3 phương án quy mô dân số Việt Nam được đưa ra. Thứ nhất nếu tiếp tục duy trì tốc độ giảm sinh như hiện nay thì dự báo đến năm 2049 quy mô dân Việt Nam là 99 triệu. Thứ hai phương án trung bình, tiếp tục duy trì mức sinh như hiện nay, dân số sẽ 105-110 triệu. Thứ ba là phương án mức sinh cao, dân số tăng lên sau đó bắt đầu giảm xuống mức sinh thay thế và đạt 120 triệu vào năm 2049.