Trong cuộc họp Hội nghị lần thứ 46 của Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA) tổ chức sáng 13/12 tại Malaysia, Việt Nam được bầu làm Chủ tịch luân phiên điều hành và Tổng thư ký.
Theo đó, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng Biển Việt Nam giữ chức Chủ tịch. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) giữ chức Tổng thư ký của APA.
Phát biểu nhậm chức Chủ tịch APA nhiệm kỳ 2023-2024, Thượng tá Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh sẽ cùng các thành viên trong Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á phát triển và hiện thực hóa các sáng kiến xây dựng cảng biển ASEAN hội nhập với tổ chức Cảng và Hàng hải Quốc tế (IAPH) và Mạng lưới Cảng dịch vụ APEC (APSN).
Bên cạnh đó, mục tiêu ứng dụng hệ thống kết nối, số hóa và xanh hóa cảng, giảm khí carbon theo cam kết của các chính phủ tại COP 26 cũng được ông Quý làm rõ vì sự phát triển cộng đồng cảng biển ASEAN.
Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA) gồm các nước thành viên Việt Nam, Brunei, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Tại hội nghị APA 46, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững hệ thống cảng biển trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, hội nghị nêu ra một số biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để vượt qua các khó khăn do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề liên quan tới số hóa và xanh hóa cảng biển trong khu vực cùng một số giải pháp để nâng cao hoạt động của APA trong chương trình hoạt động 5 năm tới.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tình hình kinh doanh của các cảng trong năm tiếp theo sẽ có nhiều thách thức, Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA) nói chung và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết vẫn sẽ tập trung cho các mục tiêu phát triển bền vững như phát triển hệ sinh thái số, xây dựng cảng thông minh ứng dụng giải pháp logistics xanh.
Cụ thể, một số giải pháp logistics xanh có thể được áp dụng gồm: vận tải xanh, kho xanh, cảng xanh... giúp bảo vệ môi trường và hòa nhập theo xu hướng phát triển kinh doanh bền vững.
Tham gia hội nghị, đoàn công tác của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) gồm ban chấp hành VPA, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Quốc Tế Cái Mép (CMIT), Cảng Đà Nẵng. Hội nghị là cơ hội để đoàn đại biểu Việt Nam học tập, giao lưu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm với các cảng biển khác trong khu vực. Qua đó, các lãnh đạo có thể nâng cao tầm nhìn và làm rõ các mục tiêu của VPA về các khía cạnh như nguồn nhân lực, hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững của các cảng thành viên.
Theo kế hoạch, hội nghị Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á lần thứ 46 sẽ kéo dài đến hết ngày 14/12.
Hồng Thảo