FIFA U17 World Cup sẽ tổ chức hàng năm giai đoạn 2025 đến 2029 tại Qatar. Thành phần tham dự tăng từ 24 lên 48, trong đó châu Á tăng từ bốn lên tám suất (không tính chủ nhà Qatar). Quyết định này giúp Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á có thêm cơ hội đến sân chơi thế giới.
Việt Nam từng tám lần dự VCK U17 châu Á (trước đây là U16), với thành tích tốt nhất là đứng thứ tư năm 2000, nhưng chưa có vé dự World Cup. Trong khi đó, Thái Lan có hai lần dự World Cup năm 1997 và 1999, còn Indonesia dự năm 2023 với tư cách chủ nhà.
Muốn đạt được mục tiêu, Việt Nam phải lọt vào tứ kết U17 châu Á 2025, tổ chức từ ngày 3/4/2025 đến 20/4/2025, tại Arab Saudi. 16 đội chia làm bốn bảng, thi đấu vòng tròn một lượt chọn ra bốn đội nhất và bốn đội nhì vào tứ kết.
Việt Nam có mặt với tư cách đội nhì bảng I vòng loại, sau khi hòa Kyrgyzstan 0-0, thắng Myanmar 2-0 và hòa Yemen 1-1. Bên cạnh Việt Nam, 15 đội dự giải có chủ nhà Arab Saudi, 10 đội nhất bảng vòng loại là Triều Tiên, Afghanistan, Hàn Quốc, Thái Lan, Uzbekistan, Nhật Bản, Australia, UAE, Yemen, Tajikistan và bốn đội nhì Trung Quốc, Indonesia, Iran, Oman.
LĐBĐ châu Á (AFC) chưa ấn định thời gian bốc thăm chia bảng vòng chung kết. Nhưng các đội đã được xếp hạt giống dự theo thành tích tại U17 châu Á 2023. Theo đó, Việt Nam nằm ở nhóm ba cùng Afghanistan, Tajikistan và Trung Quốc. Hạt giống số một là chủ nhà Arab Saudi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan. Nhóm hai là Iran, Yemen, Australia và Thái Lan. Nhóm bốn là Indonesia, Oman, UAE và Triều Tiên.
Việt Nam từng đứng thứ tư năm 2000 với lứa Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật. 16 năm sau, dưới sự dẫn dắt của HLV Đinh Thế Nam, đội vào tứ kết với lứa 1999-2000 có Nguyễn Thanh Bình, Mạch Ngọc Hà, Nguyễn Trọng Long. Trong khi đó, đội hiện tại thuộc về HLV Brazil Cristiano Roland (cựu trung vệ Hà Nội FC), sẽ còn năm tháng chuẩn bị cho vòng chung kết U17 châu Á 2025.
U17 World Cup tổ chức tại một quốc gia trong năm năm liên tiếp, với 48 đội tham dự, là sáng kiến của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino dựa vào hai quan điểm. Thứ nhất, tần suất giải và số đội tăng lên giúp nhiều tài năng trẻ có cơ hội thể hiện kỹ năng, đồng thời thường xuyên cạnh tranh với những cầu thủ giỏi nhất cùng độ tuổi. Thứ hai, thời gian đăng cai dài cho phép các quốc gia tối ưu hóa cơ sở vật chất bóng đá hiện đại và tận dụng cơ sở hạ tầng khác, như giao thông và chỗ ở. Cách làm giúp ban tổ chức giữ nguyên cấu trúc, có thêm kinh nghiệm, tối đa hóa hiệu quả và giảm chi phí, đồng thời đảm bảo cải thiện chất lượng qua từng năm.
Hiếu Lương