Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm phải có đủ năng lực và đầu tư dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030, các mỏ đã cấp phép như Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu) sẽ hoàn thành thăm dò. Nhiều mỏ khác tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái được thăm dò mở rộng. Hai mỏ được chú trọng khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái) với sản lượng quặng mỗi năm dự kiến 2 triệu tấn.
Sau năm 2030, ngoài mở rộng mỏ Đông Phao, sẽ có thêm 3-4 dự án khai thác mới tại Lai Châu, Lào Cai, nâng tổng sản lượng lên thêm hơn 100.000 tấn quặng đất hiếm mỗi năm.
Doanh nghiệp được khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO). Nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành trong 7 năm nữa.
Với đất hiếm riêng rẽ, Chính phủ định hướng sẽ xây dựng các dự án chiết tách, chế biến tại Lai Châu và Lào Cai, công suất 20.000-60.000 tấn/năm. Hai tỉnh này cũng sẽ có ba dự án thủy luyện chế biến đất hiếm.
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.
Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, 44 triệu tấn; kế đến là Việt Nam 22 triệu và Brazil 21 triệu tấn. Các nước như Nga, Mông Cổ, Ấn Độ cũng có đất hiếm nhưng trữ lượng ít hơn.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tính toán, thị trường đất hiếm toàn cầu có giá trị khoảng 10 tỷ USD, thị trường cho các sản phẩm sử dụng đất hiếm hơn 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn cung ngoài Trung Quốc chỉ có một số cơ sở sản xuất như Lynas (Australia), MP Materials (Mỹ), Neo Silmet (Estonia), Toyota Tsusho (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam...
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho doanh nghiệp khai thác hai mỏ đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái, nhưng đến nay chưa mỏ nào hoạt động.