Chiều 8/11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết thời gian qua, Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine hiệu quả trên các lĩnh vực như mua, nhập khẩu, tổ chức chiến dịch tiêm chủng...
Đến nay, Việt Nam có thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận 125 triệu liều. "Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí", ông nói.
Hiện cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với gần 84% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều; hơn 40% số người từ 18 tuổi tiêm đủ hai liều.
Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine được tiêm nhiều nhất; đứng thứ 2 ở Đông Nam Á; đứng thứ 7 ở châu Á; là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, Việt Nam có 2 vaccine trong nước đang thử nghiệm giai đoạn 3; một vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2.
Theo ông Long, làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Việt Nam đã trải qua ba đợt bùng phát dịch bệnh và đang trong đợt thứ tư. "Có thực tế là đợt dịch sau bao giờ cũng phức tạp hơn đợt trước", ông nói.
Đến nay, các tâm dịch như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong.
Ông Long cũng nêu, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn đề cập những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong phòng chống dịch, như: Công tác dự báo có lúc chưa sát thực tiễn; việc chỉ đạo có nơi còn lúng túng, bị động; các địa phương thực hiện thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế dự phòng và cơ sở...
Việt Nam cũng như các nước, đã vừa làm vừa rút kinh nghiệm, liên tục điều chỉnh chính sách, chiến lược phù hợp. "Ngành y tế xin được chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TP HCM và các địa phương khác trong thời gian qua", ông Long nói.
Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố mạng lưới, cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai chủ trương thích ứng an toàn "cơ bản đồng bộ". Các tỉnh, thành không còn tình trạng phong tỏa diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên), đề xuất, ngoài việc thực hiện tốt ngoại giao vaccine, Việt Nam cần tranh thủ các nguồn lực khác để có đủ 150 triệu liều vaccine tiêm cho người dân.
Về lâu dài, Việt Nam cần sớm tự chủ vaccine, tiếp tục quan tâm, đầu tư, đẩy nhanh chuyển giao công nghệ sản xuất, hạn chế nhập khẩu và phụ thuộc công ty nước ngoài.
"Rất mong thời gian tới, người dân cả nước tiếp tục ủng hộ, tự giác chấp hành các quy định phòng dịch, tích cực hưởng ứng kế hoạch tiêm vaccine, với phương châm vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất'", ông Thắng nói.