Ứng phó bệnh đầu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) hỗ trợ các hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm sàng lọc bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 28/7, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ tại WHO Việt Nam, cho biết hiện Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm, sẽ được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện dịch tễ Pasteur TP HCM. Trong lúc chờ đợi, Việt Nam có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để sàng lọc, chẩn đoán bệnh cho tình huống khẩn cấp.
Đây chỉ là một trong những khó khăn khi Việt Nam phải ứng phó với đậu mùa khỉ - căn bệnh được WHO tuyên bố là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, hôm 23/7. Theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam không phải vùng dịch lưu hành bệnh và đậu mùa đã được thanh toán từ những năm 80 của thế kỷ trước, do đó trong nước không dự trữ loại vaccine phòng bệnh và sinh phẩm xét nghiệm.
Còn bác sĩ Hiên thông tin thuốc kháng virus và vaccine đặc trị đậu mùa khỉ đang ở mức độ nghiên cứu hiệu quả, chưa được cấp phép sản xuất đại trà. Như thuốc kháng virus Tecovirimat (còn được bán dưới tên thương hiệu Tpoxx), dù được chấp thuận sử dụng ở Mỹ, Canada và châu Âu, nhưng vẫn gây tranh cãi về hiệu quả. Ngay cả các vaccine đậu mùa (có thể sử dụng phòng ngừa đậu mùa khỉ) thế hệ 2-3 cũng rất khan hiếm. Trong khi đó, đậu mùa khỉ có triệu chứng lâm sàng dễ nhầm lẫn với bệnh khác, gây nhiều khó khăn khi chẩn đoán. Vì vậy, Việt Nam cần truyền thông để các ca có triệu chứng chủ động đến cơ sở khám chữa bệnh sớm, bảo vệ mình và cộng đồng.
Tình trạng khan hiếm vaccine và thuốc điều trị diễn ra ở cả các nước phát triển như tại Mỹ, Anh. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) Mỹ cho biết hơn 132.000 liều vaccine Jynneos, loại vaccine được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng phòng ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ, đã được phân phối từ kho dự trữ chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn thiếu nguồn cung vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở cấp địa phương khi số ca bệnh ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Mạng lưới Phòng Thí nghiệm Ứng phó (LRN), bao gồm 67 phòng thí nghiệm ở 48 tiểu bang, có khả năng xử lý hơn 8.000 mẫu xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ mỗi tuần, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt tại các điểm nóng như ở New York.
Bên cạnh khó khăn về ba trụ cột sinh phẩm, vaccine, thuốc, thách thức tiếp theo với Việt Nam là phải xử lý đồng thời dịch sốt xuất huyết, cúm mùa, Covid-19 trong khi nhân lực y tế mệt mỏi sau hơn hai năm đại dịch.
Ngoài ra, theo một chuyên gia dịch tễ không muốn nêu tên, hệ thống y tế cơ sở hiện bộc lộ nhiều thiếu sót, làn sóng nhân viên y tế công bỏ việc, thuốc và vật tư điều trị thiếu hụt... sẽ khiến nước ta gặp nhiều khó khăn nếu dịch đậu mùa khỉ lây lan.
Tuy nhiên, phó giáo sư Phu cho rằng tiêm vaccine đậu mùa để phòng đậu mùa khỉ tại Việt Nam ở thời điểm này là chưa cần thiết. Lý do hiện nguy cơ bùng phát dịch không cao, người mắc bệnh đa phần có triệu chứng nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài tuần. Nếu người dân áp dụng tốt các biện pháp dự phòng cá nhân như vệ sinh tay sạch sẽ, che chắn khi ho, hắt hơi, không tiếp xúc gần với nguồn lây, sẽ tránh được nguy cơ mắc bệnh.
Ở góc độ khác, phó giáo sư Dũng cho rằng Việt Nam sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc chống đậu mùa khỉ. Sau dịch Covid-19, phần lớn người dân đã được nâng cao kiến thức về phòng bệnh. Các triệu chứng bệnh rõ ràng, người dân có hiểu biết sẽ sớm nghi ngờ và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị, ngăn chặn sớm đường lây nhiễm. Cụ thể, dấu hiệu đặc trưng của người mắc đậu mùa khỉ là nổi các vết ban, mụn nước, mụn mủ, vảy... Do đó, cần tránh tiếp xúc gần với ca bệnh trong giai đoạn này, như ôm hôn, quan hệ tình dục, dùng chung chăn gối, khăn mặt.
Theo ông Dũng, tại các quốc gia châu Phi bùng dịch mạnh, nguồn lây chủ yếu là từ động vật gặm nhấm (sóc, chuột...), sau đó lây từ người sang người. Còn ở Việt Nam, khả năng lây sẽ chỉ do truyền từ người sang người. Đường lây truyền của đậu mùa khỉ cũng "hẹp" hơn nhiều so với Covid-19. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Đặc biệt chỉ khi người bệnh có triệu chứng phát ngoài da (nốt phát ban đậu, mụn mủ, mụn đã lên mày...) mới có khả năng lây lan. Người mang mầm bệnh sẽ không lây được cho người khác khi họ còn trong thời kỳ ủ bệnh.
Bộ Y tế hiện đề nghị WHO, CDC Mỹ hỗ trợ về sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, thuốc điều trị. Trong lúc chờ đợi có đầy đủ công cụ phòng bệnh, cơ quan này sẽ ban hành, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, trước mắt là hướng dẫn về giám sát và phòng chống, chẩn đoán điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn. Đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cân nhắc việc khôi phục khai báo y tế trở lại tại một số quốc gia ghi nhận ca bệnh lớn; tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng. Đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Bộ Y tế khuyến cáo người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân, kèm theo triệu chứng đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược... cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, người nghi nhiễm cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, còn thế giới đã ghi nhận gần 17.000 ca bệnh ở hơn 70 quốc gia.
Anh Thư – Chi Lê