Sáng 18/10, tại tọa đàm An ninh phi truyền thống và thách thức đặt ra, PGS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, đặt vấn đề "muốn có được an ninh phi truyền thống với tư cách là sản phẩm của hạnh phúc, chúng ta phải làm gì?".
Theo ông Phi, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, trước tiên là môi trường, đất, nước, không khí, tiếng ồn bị ô nhiễm nặng. Đơn cử là các vụ ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp như Vedan, Formosa, bãi rác Nam Sơn. Sông Tô Lịch (Hà Nội) nhiều năm nước đen, ô nhiễm nặng, mà chưa có giải pháp gì cụ thể. Hàng triệu ao, hồ ở Việt Nam cũng trong tình trạng ô nhiễm. "An ninh môi trường đang là vấn đề đe dọa con người ở Việt Nam", PGS Hoàng Đình Phi nhận định.
Hà Nội có thể phát triển nhiều dịch vụ tăng trưởng, nhưng ông Phi cho rằng nếu phải tính chi phí bỏ ra để khôi phục môi trường sẽ rất tốn kém. Các chuyên gia Đức ước tính, thành phố phải tiêu tốn từ 5 đến 10 tỷ USD trong 10 năm mới có thể khôi phục được sông Tô Lịch như trước khi bị ô nhiễm. "Điều đó chứng tỏ rằng hôm nay nếu chúng ta không trả những chi phí quản trị rủi ro thì tương lai con cháu phải trả phí khủng hoảng", ông Phi bày tỏ lo ngại.
Ngoài ra, trên cả nước, trẻ em, người già, lao động đang đối diện với nhiều rủi ro, thương tật, tử vong; công nhân bị thương, thiệt mạng; trẻ em chết do bạo lực gia đình, đuối nước, thiếu kỹ năng. An ninh giao thông Hà Nội, TP HCM vô cùng phức tạp. Mỗi tháng toàn quốc có 26-30 người chết vì tai nạn giao thông, nhiều người bị thương nặng. "Đó là những mối đe dọa lớn", ông Phi nói.
An ninh lương thực, nguồn nước, sức khỏe do dịch Covid-19; nhiều dịch bệnh khác như ung thư, lao phổi, nhiễm khuẩn ở trẻ em cũng là những thách thức đặt ra. Ngoài ra còn an ninh giáo dục, mạng, kinh tế, tài chính... Tất cả những vấn đề này sẽ đe dọa tới an ninh con người. "An ninh phi truyền thống quyết định sự bền vững của mỗi cá nhân và cần đối phó, tức phải xây dựng chiến lược với từng mối đe dọa. Đây là vấn đề mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức cả khu vực công và tư", ông Phi nêu quan điểm.
GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu thực trạng Việt Nam rất thiếu nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như kinh tế, năng lượng, lương thực, môi trường. Từ lâu, Việt Nam đã có các nghiên cứu về an ninh phi truyền thống và cách quản trị, nhưng đến nay mới có ba đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu vấn đề mang tính quan điểm chung.
"Có khoảng 20 vấn đề an ninh phi truyền thống rất cần nghiên cứu chuyên sâu ở Việt Nam", ông Yêm nói và đề xuất huy động các bộ ngành, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội đi tiên phong. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Hệ thống pháp luật, đường lối chính sách về an ninh phi truyền thống cần được hoàn thiện để phòng ngừa, ứng phó.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần được đào tạo có chất lượng tốt. "Tôi khuyến nghị Chính phủ đưa chương trình tập huấn về quản trị an ninh phi truyền thống là bắt buộc trong giáo dục quốc phòng an ninh với các cơ quan Đảng, chính quyền, địa phương", GS Nguyễn Xuân Yêm đề xuất.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia Tội phạm học, cảnh báo những vấn đề an ninh phi truyền thống nếu không được ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời và đúng đắn, sẽ tích tụ và đến lúc bùng phát mạnh, dẫn đến hậu quả rất lớn về trật tự xã hội, an ninh, sự phát triển của quốc gia.