Khóa họp thường kỳ lần thứ 31 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm qua mở phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền của con người được hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần ở mức tốt nhất.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, trên cương vị thành viên Nhóm nòng cốt thúc đẩy thảo luận về quan hệ giữa biến đổi khí hậu và nhân quyền, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã điều hành phiên thảo luận này.
Phát biểu tại phiên thảo luận với tư cách đại diện cho đoàn Việt Nam tại Khóa 31 Hội đồng Nhân quyền, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh Việt Nam nằm trong nhóm những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Hiện tượng gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe nhân dân như: thiệt hại nặng nề về người và vất chất do thiên tai tăng qua từng năm, các bệnh xuất phát từ nguyên nhân biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cam kết nỗ lực tối đa để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe toàn dân, lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu đến quyền con người vào các kế hoạch, chính sách của quốc gia cũng như cùng với các nước thực hiện đầy đủ cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Gần 60 nước và nhiều tổ chức chính trị, xã hội đã phát biểu, đối thoại với các diễn giả. Trong cuộc thảo luận, các diễn giả, chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu gây ra tình trạng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai ngày càng tăng như lũ lụt và hạn hán kéo dài, nắng nóng cao độ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua các tác động gây ô nhiễm không khí, thiếu nước, thiếu lương thực, dinh dưỡng, làm tăng các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm, bệnh về tinh thần.
Mỗi năm, hơn 7 triệu người chết trên toàn thế giới, có thể do ô nhiễm không khí, và biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hàng chục nghìn cái chết mỗi năm, Philippines News Agency dẫn lời bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, cảnh báo. Bà cho biết đến năm 2050, các chuyên gia dự đoán biến đổi khí hậu sẽ khiến thêm 250.000 người chết mỗi năm, chỉ riêng vì các nguyên nhân như sốt rét, tiêu chảy, sốc nhiệt, suy dinh dưỡng.
Các tác động tiêu cực thể hiện rõ nhất ở các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật, nhất là tại các nước đang phát triển. Tình hình đòi hỏi sự gia tăng cam kết chính trị, nguồn lực, hành động thiết thực thông qua hệ thống chính sách công, huy động khu vực tư nhân, ưu tiên các đối tượng dễ tổn thương, thúc đẩy hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan, nhất là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ cùng với các nước trong Nhóm nòng cốt về biến đối khí hậu tiếp tục thúc đẩy thảo luận và hợp tác góp phần giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đến việc hưởng thụ các quyền con người.
Trọng Giáp