Sau nhiều ngày dày công chuẩn bị, sáng 7/5, lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu" đã diễn ra trong sự hân hoan của hàng triệu người dân. Thời tiết ở Điện Biên chiều lòng người: mát mẻ và không mưa.
Sau nghi thức dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang đồi A1, đúng 7h, chương trình bắt đầu tại sân vận động trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. 8.000 ghế ngồi trên khán đài không còn chỗ trống. Bên ngoài, hàng nghìn người xếp hàng dọc hai bên các trục đường chính chờ đón đoàn diễu hành đi qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lãnh đạo Chính phủ Lào, Campuchia, Mexico và đại diện nhiều phái đoàn ngoại giao, các cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, mẹ Việt Nam Anh hùng... tham gia lễ kỷ niệm.
Phần biểu diễn nghệ thuật mở màn tái hiện sự nỗ lực, hy sinh gian khổ, ý chí ngoan cường của người dân Việt Nam trong trận quyết chiến với thực dân Pháp, tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị dành một phút tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của QĐND Việt Nam, chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Ghi nhận những cống hiến của quân dân cả nước, Chủ tịch nước gửi lời biết ơn đến những cựu chiến binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, gia đình có người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đó là bài học về tinh thần phát huy lòng yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn quân, toàn dân; bài học về tinh thần tự lực tự cường, anh dũng, sáng tạo của dân tộc.
"Tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài tận dụng cơ hội, thời cơ để phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh... Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc", Chủ tịch nước nói và hô vang "Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ muôn năm".
Là chiến sĩ pháo binh, đại diện các cựu chiến binh và thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Anh hùng lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu nhớ lại trận chiến ác liệt 60 năm trước. Ngày 23/4/1954, cả khẩu đội pháo của ông hy sinh. Chỉ còn một mình, ông Khầu xả thân chiến đấu. Khẩu sơn pháo của ông hôm đó đã tiêu diệt nhiều đại pháo và hàng chục lính đối phương.
"Tôi xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu - người cha của lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính mến - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam và những đồng chí, đồng bào đã hy sinh, cống hiến để làm nên chiến thắng... Chúng tôi tin tưởng và mong rằng thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng; dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Khầu xúc động.
8h10, nghi thức diễu hành, diễu binh bắt đầu. Hàng nghìn quả bóng bay được thả trên sân vận động trung tâm, hiệu lệnh “bước đều bước” được hô vang.
54 thanh niên đại diện cho 54 dân tộc hộ tống Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo sau là quốc kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khối quân kỳ do Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dẫn đầu diễu qua lễ đài. Mô hình chiến thắng Điện Biên Phủ đại diện cho hàng vạn chiến sĩ, dân công - những người làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu được tái hiện. Tiếp đó là khối chiến sĩ Điện Biên, sĩ quan hải, lục, không quân..., khối cựu chiến binh - những người đồng hành cùng dân tộc trên con đường trường chinh cứu nước.
Các khối nam tự vệ, nữ dân quân, nữ du kích miền Nam, cựu chiến binh, công nhân, nông dân, đại biểu tầng lớp trí thức cách mạng, khối thanh niên, khối phụ nữ Việt Nam tiến vào lễ đài. Tham gia diễu binh, diễu hành còn có các dân tộc tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...
Khối nghệ thuật với 500 nghệ sĩ, diễn viên tham gia trình diễn các tiết mục ấn tượng gồm những đoạn ngắn của các ca khúc về Điện Biên, đời sống người vùng cao, phong cách thể hiện đa dạng qua hát, múa, chiêng, khèn...Các tiết mục múa lân, đấu võ cũng được trình diễn độc đáo, thể hiện văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận và anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ.
Hàng nghìn người dân, cựu chiến binh và du khách đã đứng kín hai bên đường chờ đoàn diễu binh, diễu hành với khoảng 15.000 người đi qua các trục đường chính của thành phố Điện Biên Phủ.
Đúng ngày này 60 năm trước (7/5/1954), đội quân 55.000 người dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bại đội quân hùng mạnh của một cường quốc châu Âu, kết thúc một thế kỷ đô hộ của đế quốc Pháp tại Đông Dương.
Sau chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những nhân vật lịch sử Việt Nam có ảnh hưởng cá nhân vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Trận Điện Biên Phủ được nhiều chuyên gia quân sự nhận định là một trong những trận đánh vĩ đại nhất thế kỷ 20, là khởi nguồn cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhiều dân tộc.
Nhóm phóng viên