Trong cuộc hội kiến tại nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, chiều 19/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho nông sản chất lượng cao của Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam sớm thành lập Tổng Lãnh sự quán tại Trùng Khánh và các văn phòng xúc tiến quy mô thương mại tại Trung Quốc, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh Trung Quốc tham gia hợp tác trong dự án xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước, cũng như hợp tác trong các tuyến đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung Quốc thúc đẩy các dự án đầu tư tại Việt Nam với quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại; sớm triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh; sớm xử lý dứt điểm các dự án vướng mắc, thúc đẩy nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực thanh toán bằng đồng bản tệ; đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Ông nhất trí tạo thuận lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu nông thủy sản chất lượng cao, hoa quả mùa vụ.
Thủ tướng Lý Cường đề cập việc tăng cường kết nối vận tải đường sắt giữa Việt Nam với châu Âu thông qua Trung Quốc, thúc đẩy nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Lãnh đạo Trung Quốc đề nghị đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước; triển khai các dự án dân sinh và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề, phát huy tốt vai trò của Cung Hữu nghị Việt - Trung.
Hai bên trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển, củng cố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc"; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển; xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá ngư dân; kiểm soát tốt tình hình trên biển.
Cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, đề nghị quốc hội Việt Nam và nhân đại Trung Quốc duy trì và đẩy mạnh các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, giao lưu giữa các đại biểu, các Ủy ban chuyên môn, nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhân đại các địa phương Trung Quốc với hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Ông Triệu Lạc Tế khẳng định nhân đại toàn quốc Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh giao lưu hữu nghị và hợp tác với quốc hội Việt Nam, đóng góp vào việc đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam.
Tại cuộc hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khuyến khích các cấp, các ngành, các địa phương thúc đẩy du lịch khôi phục mạnh mẽ hơn nữa, sớm quay trở lại như trước dịch Covid-19.
Ông Vương Hộ Ninh coi trọng đề xuất mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ thông tin..., đồng thời thúc đẩy kết nối chiến lược "vành đai con đường" với "hai hành lang, một vành đai", mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân đang trong chuyến thăm cấp nhà nước tại Trung Quốc ngày 18-20/8. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngay sau khi đảm nhiệm cương vị mới.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD và 7 tháng đầu năm 2024 đạt 112,6 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD trong năm 2023 và 1,524 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.
Ngọc Ánh