Theo báo Công an Nhân dân, với chức năng thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động tư pháp và là cơ quan trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có văn bản trên. Trước đó, Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) bị cáo buộc đưa hối lộ 80 triệu yên (hơn 16 tỷ đồng) cho một số quan chức ngành đường sắt Việt Nam để được nhận thầu Dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, VKSND Tối cao đã nhận được công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ Ngoại giao và VKSND Tối cao quan tâm hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải xử lý vụ việc này. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các cơ quan tố tụng làm rõ thông tin đưa hối lộ cho cán bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để xử lý nghiêm.
Vụ việc bắt đầu nhận được chú ý của dư luận khi ngày 21/3, tờ Yomiuri và nhiều tờ báo Nhật đồng loạt đưa tin về ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) đến cơ quan điều tra khai báo tự nguyện về việc hối lộ quan chức cấp cao của Đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA. Trong lời khai, ông đưa ra nhiều chi tiết như hối lộ vào thời điểm nào, số tiền bao nhiêu.
Động thái này diễn ra sau khi cơ quan thuế Tokyo phát hiện nhiều khoản chi bất thường của công ty JTC, trị giá khoảng 130 triệu yen, liên quan đến 5 dự án ODA của Nhật Bản. Số tiền được chi vào 40 lần khác nhau, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2014.
JTC có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 và tham gia hơn chục dự án khác nhau liên quan đến đường sắt. Khách hàng của JTC tại Việt Nam chủ yếu là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số đơn vị khác.
JTC còn tham gia nhiều liên danh tư vấn khác trong một số dự án có vốn ODA Nhật Bản như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu...
Xuân Hoa