Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakaru hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Nhật Bản tiếp tục triển khai có hiệu quả ODA thế hệ mới có tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho những dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, toàn diện.
Ông Trần Thanh Mẫn hoan nghênh chính sách mới của Nhật Bản đối với lao động nước ngoài, đặc biệt là thiết lập chế độ "đào tạo - làm việc" thay chế độ "thực tập sinh kỹ năng", đề nghị Nhật Bản tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, tiếp tục cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, sinh sống và an sinh xã hội cho người Việt Nam tại Nhật Bản.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn.
Hai lãnh đạo khẳng định hợp tác nghị viện là kênh quan trọng trong tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai nước, vui mừng Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản ký thỏa thuận nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước trên bình diện song phương và đa phương, nhất trí thúc đẩy giám sát thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết.
Tại cuộc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng đầu tư vào hạ tầng, năng lượng xanh nông nghiệp chất lượng cao, trung tâm dữ liệu, chip bán dẫn. Ông mong Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Đây đều là những lĩnh vực mà quốc gia này có thế mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Nhật Bản sớm triển khai các dự án ODA thế hệ mới.
Hai bên thống nhất tăng cường gắn kết đào tạo nguồn nhân lực thông qua thúc đẩy hợp tác lao động, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việt Nam tiếp tục cử nhiều lao động sang Nhật Bản, hỗ trợ ứng phó vấn đề già hóa dân số.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và trở thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới vào cuối năm ngoái.
Về kinh tế, Nhật Bản là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến cuối tháng 8, hơn 5.400 dự án đầu tư của từ các doanh nghiệp Nhật Bản còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 79,3 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt trên 30 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ 2023.
Anh Tú