Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói tại buổi tiếp ông Hua Liu, phó Tổng Giám đốc IAEA ngày 21/3. Ông Hua Liu đang có chuyến thăm Việt Nam từ 21-23/3 dự lễ kỷ niệm 40 năm vận hành Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt và làm việc tại một số cơ sở đã tiếp nhận viện trợ của IAEA có những kết quả nổi bật trong ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các hoạt động kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng cho biết, lĩnh vực năng lượng nguyên tử và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình luôn được Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm và IAEA là đối tác quan trọng. Ông khẳng định cam kết thực hiện nghĩa vụ và có trách nhiệm đối với các điều ước quốc tế mà Bộ được giao, đặc biệt liên quan đến kiểm soát an toàn, an ninh, chống buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Ông cũng đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia các dự án hợp tác kỹ thuật; Triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST), đặc biệt trong việc thực hiện nghiên cứu đánh giá địa điểm và lập báo cáo khả thi (FS); Nghiên cứu khả thi xây dựng Tổ hợp máy gia tốc quy mô lớn ở khu vực phía Bắc Việt Nam...
Ông Hua Liu cho biết, IAEA đang triển khai các chương trình NUTECH Plastic (quan trắc và giảm thiểu vi nhựa trong đại Dương), ZODIAC (kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người), Atoms4Food (tăng cường sản xuất lương thực và an toàn thực phẩm), Rays of Hope (kiểm soát và giảm thiểu ung thư), Atoms4NetZero (năng lượng hạt nhân giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu). Ông mong muốn Việt Nam sẽ ngày càng đẩy mạnh chương trình hợp tác kỹ thuật với IAEA hơn nữa góp phần thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Chiều cùng ngày Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng có buổi tiếp ông Hua Liu. Tại đây ông Hua Liu khẳng định IAEA sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, nhất là trong hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy định, quy chuẩn bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong phát triển nông nghiệp thông minh.
Ông Hua Liu khuyến khích Việt Nam sử dụng điện hạt nhân như một năng lượng sạch. Ông cho biết, hiện có nhiều quốc gia quan tâm phát triển điện hạt nhân, coi đây là nguồn năng lượng sạch trong cơ cấu điện của mình. Tại Hội nghị COP28 vừa qua, có hơn 20 quốc gia cho biết sẽ tăng gấp 3 lần sản lượng điện hạt nhân và sắp tới sẽ có hội nghị của các nhà lãnh đạo tại Brussels (Bỉ) để trao đổi về việc sử dụng năng lượng nguyên tử tại các quốc gia này.
Theo ông Liu, sau sự cố Fukushima năm 2011, IAEA có nhiều cải thiện các quy định, quy chuẩn liên quan đến an toàn và việc sử dụng điện hạt nhân, cũng như thúc đẩy sự hỗ trợ, ủng hộ của người dân đối với việc sử dụng điện hạt nhân. Theo đó, ngày càng có thêm nhiều quốc gia chấp nhận sử dụng điện hạt nhân là phương án khả thi.
Việt Nam tham gia IAEA từ năm 1978. Thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia IAEA đã viện trợ cho Việt Nam mỗi năm trung bình khoảng 6-7 dự án với tổng kinh phí vào khoảng trên 1 triệu USD/chu kỳ 2 năm, góp phần xây dựng năng lực và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các ngành, lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường... Giai đoạn 2018-2023, Việt Nam đã được IAEA trực tiếp hỗ trợ 17 dự án quốc gia với tổng kinh phí được chấp thuận gần 3 triệu Euro.
Bảo Chi