"Sáng kiến Việt Nam được nêu ra đã nhận được sự ủng hộ lớn của các nước, đó là nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác và phối hợp với Uỷ hội Mekong quốc tế MRC", ông Vũ Quang Minh, Trưởng nhóm các quan chức cấp cao Việt Nam của hội nghị ACMECS và CLMV, trả lời câu hỏi của VnExpress trong họp báo chiều nay.
Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar -Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF - Mekong), chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016, kết thúc hôm nay sau ba ngày thảo luận.
Theo ông Minh, sở dĩ Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của MRC vì hai hội nghị AMECS và CLMV mang tính chất điều phối và phối hợp chính sách, không phải tổ chức quốc tế theo nghĩa có các cam kết mang tính chất ràng buộc. Trong khi đó MRC là tổ chức quốc tế duy nhất ở khu vực có các quy định, thoả thuận, điều khoản có tính chất ràng buộc, yêu cầu các nước thành viên phải tuân thủ khi sử dụng dòng sông chung.
Đáng chú ý, hiện mới có 4 nước là thành viên của MRC, gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào, còn hai nước ở thượng nguồn sông Mekong là Trung Quốc và Myanmar mới tham gia với vai trò quan sát viên.
Theo ông Minh, Việt Nam và các nước cùng sử dụng sông Mekong còn có 14 khuôn khổ hợp tác khác với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên MRC vẫn được coi là cơ chế quan trọng nhất, tổ chức này có năng lực về kỹ thuật, khoa học cũng như quản lý các nguồn dữ liệu để chia sẻ sự hỗ trợ về kỹ thuật cho các nước để phát triển kế hoạch phát triển hạ tầng và sử dụng nguồn nước.
Trưởng SOM Việt Nam cho biết đại diện các nước tham dự AMECS và CLMV lần này cam kết phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả, công bằng nguồn nước sông Mekong, thể hiện trong hai tuyên bố chung của hội nghị. Các cam kết này mang tính khuôn khổ, định hướng cho các nước để xây dựng kế hoạch phát triển của mình và phát triển các dự án chung.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam từ đầu năm nay đối diện với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, được đánh giá là nặng nề nhất trong 100 năm qua. Tình trạng thiếu nước ngọt của Việt Nam được cho là một phần do các nước ở khu vực sông Mekong tích trữ nước để phát triển thuỷ điện hoặc phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
Trung Quốc là nước có nhiều đập thuỷ điện trên thượng nguồn Mekong, Lào cũng tiến hành xây dựng một số công trình. Thái Lan xây dựng một số hồ chứa để tích nước trong mùa khô.
"Việc các nước tăng cường phối hợp, hợp tác trong MRC là điểm hết sức quan trọng, điểm tiếp theo triển khai thế nào là câu chuyện dài chúng ta phải hết sức nỗ lực", ông Minh nói.
Việt Anh