Từ 15h35 ngày 7/11, Quốc hội bắt đầu chất vấn việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao Du lịch, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. 92 đại biểu đăng ký chất vấn.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng) nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại kỳ họp thứ 4 là "sẽ chỉ đạo các nhà mạng có giải pháp phủ sóng triệt để các thôn bản, nhất là vùng miền núi. Bộ trưởng hứa phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết hết năm 2023 có hoàn thành được mục tiêu này không? Giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu này là gì?", bà An chất vấn.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói từ năm 2021, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Thủ tướng đã ban hành chương trình Sóng và máy tính cho em. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát từng vùng trên cả nước, cả những nơi chỉ có vài chục nóc nhà, để phủ sóng ở những vùng lõm sóng.
Đến nay, 2.100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số. Trong khi đó, các nước thu nhập cao chỉ đạt trung bình 99,4%. Năm 2023, các địa phương phát hiện thêm và xác định còn 420 điểm lõm sóng để phủ tiếp. "Chúng tôi đã đưa số này vào kế hoạch và sử dụng quỹ viễn thông công ích để hoàn thành trước tháng 6/2024", ông Hùng cho hay.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Video: VTV
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Phó bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu) nhắc lại việc Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2025 tất cả dân số được phủ sóng mạng 4G; và đến năm 2030, 100% dân số được phủ sóng 5G. Bà đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam có áp dụng cách thức phát triển thuê bao di động, viễn thông trực tuyến không? Việc này sẽ thực hiện như thế nào và lộ trình cụ thể ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại thông tin đến nay Việt Nam đã phủ sóng mạng 4G đạt 99,8% dân số, nên đến 2025 sẽ đạt mục tiêu phủ sóng toàn bộ. Cuối năm nay, tần số 5G sẽ được đấu giá. Các nhà mạng lắp đặt trạm phát sóng 5G trên hạ tầng cũ nên đầu tư giảm, thời gian triển khai nhanh. "Năm 2030 sẽ đạt mục tiêu phủ sóng mạng 5G, tôi nghĩ có thể nhanh hơn", ông Hùng nói.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh. Ảnh: Media Quốc hội
Theo Bộ trưởng, việc đăng ký thuê bao ở vùng sâu gặp khó khi khoảng cách đến trụ sở nhà mạng xa. Vì vậy, Bộ đang nghiên cứu hình thức đăng ký thuê bao trực tuyến nhưng phải đảm bảo chính xác, không có sim rác. Hình thức này sẽ được đưa vào nghị định trong năm sau.
Đại biểu Tao Văn Giót (Bí thư Đoàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) lo ngại thực trạng quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung không đúng trên mạng xã hội. Quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của truyền hình quốc gia, bệnh viện, Bộ Y tế; ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng, quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ", đại biểu Giót nêu câu hỏi.

Đại biểu Tao Văn Giót. Ảnh: Media Quốc hội
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên Internet chủ yếu thông qua nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Bộ đã đạt được cơ chế làm việc với các mạng xã hội này về tháo gỡ thông tin sai sự thật, quảng cáo, thông tin xấu độc và thể chế hóa trong văn bản pháp luật. Hiện nay, việc thực thi yêu cầu quản lý Nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội được thực hiện rất nghiêm.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là "phát hiện, báo cáo để tháo gỡ". Bộ ngành nào, địa phương nào, quản lý cái gì trong thế giới thực thì trên không gian mạng cần quản lý cái đó. Theo Bộ trưởng, hiện các bộ ngành, địa phương thể hiện vai trò quản lý trên không gian mạng chưa nhiều, đôi khi cho rằng đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công an. "Ví dụ như thuốc, thực phẩm chức năng, quảng cáo đúng hay sai thì thuộc trách nhiệm Bộ Y tế", ông nói.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An) nói hiện nay có rất nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã có trang fanpage trên Facebook, đạt hiệu quả trong tuyên truyền nhưng chưa được cấp tài khoản chính thống. Đại biểu Sinh đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông có giải pháp hỗ trợ định hướng và chính thống hóa các trang này.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay một số nền tảng mạng xã hội đã hỗ trợ chức năng xác thực fanpage của các tổ chức, như Facebook cấp tích xanh khi người sử dụng cung cấp các thông tin xác thực. Tuy nhiên, không phải tất cả mạng xã hội có chức năng này. "Bộ đã làm việc với các nền tảng mạng xã hội, và cơ bản đến hết năm nay các nền tảng sẽ cung cấp chức năng xác thực. Bộ cũng sẽ thể chế hóa việc này trong Nghị định ký vào cuối năm nay về nội dung trên Internet", ông Hùng cho hay.
Xây dựng mô hình '3 nhà' phát triển khoa học, công nghệ
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Phó đoàn Tiền Giang) cho rằng nhiều kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng nhưng chưa được chuyển giao, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến nay mới lựa chọn được nhiệm vụ khoa học, chưa ký hợp đồng do thiếu kinh phí thực hiện. "Đề nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết giải pháp tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ?", ông Tâm chất vấn.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói câu hỏi của đại biểu nêu những vấn đề mà ngành đang trăn trở. Ông cho biết vừa qua bộ đã làm việc với các địa phương, viện, trường để kết nối việc nghiên cứu khoa học của các trường với nhu cầu, ứng dụng thực tế của địa phương.
"Những nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của đội ngũ nghiên cứu khoa học ở các trường và địa phương, cùng nhau xây dựng chương trình nghiên cứu, giải quyết yêu cầu bức thiết của địa phương", ông nói.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn, chiều 7/11. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, nhiều nước trên thế giới đang ứng dụng hiệu quả mô hình liên kết giữa trường, viện và doanh nghiệp. Chẳng hạn, Hà Lan có mô hình "ba nhà", gồm Nhà nước - doanh nghiệp và trường, viện. Trong mô hình này, Nhà nước tạo môi trường, hệ sinh thái và thể chế. Trường, viện là nơi nghiên cứu và doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây cũng là mô hình Việt Nam đang có chủ trương xây dựng trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng cũng cho biết hiện khoa học đóng góp 30% trong phát triển ngành nông nghiệp. Để liên kết giữa ngành nông nghiệp và khoa học, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết phối hợp hoạt động để triển khai hoạt động công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao.
Liên quan tới kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong chương trình nông thôn mới, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ làm việc với Bộ Tài chính để chương trình được bố trí kinh phí.
Học sinh nữ tham gia bạo lực học đường ngày càng nhiều
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết trong báo cáo của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội có đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. "Vậy theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, có những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?", ông Thắng chất vấn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 em nữ. "Bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Bình quân cứ 50 trường thì có một vụ bạo lực học đường, xảy ra cả trong và ngoài trường học. Học sinh nữ tham gia ngày càng nhiều hơn khiến chúng tôi rất lo lắng và nỗ lực tìm giải pháp xử lý", ông Sơn nói.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó việc phát hiện và xử lý hiện giao cho giáo viên, một số hiệu trưởng. Giáo viên khi phát hiện còn lúng túng trong xử lý.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn Quốc hội chiều 7/11. Ảnh: Ngọc Thành
Theo thống kê của TAND Tối cao, hàng năm có 70-80% vụ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình. Vì vậy, học sinh vừa chứng kiến bạo lực, vừa có thể bị bạo lực. Hai việc này có liên quan đến nhau, nên cần ngăn chặn bạo lực từ gia đình. Phim ảnh bạo lực cũng ảnh hưởng đến giới trẻ với motip bạo lực khác nhau. "Qua thời gian dịch bệnh, học sinh học trực tuyến lâu ngày nên có vấn đề về tâm lý, cộng với tâm sinh lý lứa tuổi trưởng thành, có thể là nguyên nhân nảy sinh bạo lực học đường", Bộ trưởng Sơn nói.
Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Phó đoàn Bình Định), vừa qua Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo có gặp gỡ, trao đổi với khoảng một triệu giáo viên và đã nhận được trên 6.000 câu hỏi. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay và nêu hướng giải quyết.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc trung học cơ sở, dấu mốc quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Nhưng hiện nay, khi kết thúc chương trình THCS, học sinh không thi mà xét tốt nghiệp, trong khi kết thúc THPT thì lại thi tốt nghiệp.
"Có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT hay không", đại biểu đặt vấn đề.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói ngày 15/8, trước thềm năm học, ông tổ chức gặp gỡ trực tuyến với một triệu giáo viên. Hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến được gửi đến, hầu hết đồng tình xu hướng đổi mới giáo dục mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang dẫn dắt.
Các nhà giáo đều nhận thấy đây là thách thức rất lớn, kỳ vọng lớn của xã hội và đều rất quyết tâm để vượt qua. Bên cạnh đó, nhà giáo cũng tâm tư "thách thức thì lớn nhưng đời sống của nhà giáo để thực hiện các đổi mới còn khó khăn".
Giáo viên trẻ mới vào nghề mức lương thấp, giáo viên vùng sâu còn khó khăn điều kiện cơ sở vật chất, nhà công vụ. "Giáo viên rất mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc mà họ đang đảm nhận; mong muốn có sự cải thiện về lương, đời sống", ông Sơn nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn chiều 7/11. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói rất mừng khi trong nhiều phiên họp Quốc hội, vấn đề lương và đời sống giáo viên đã được đề cập; Bộ Nội vụ và Chính phủ đã thấu hiểu điều này và đang tìm cách tháo gỡ.
Về ý kiến thay đổi phương thức tuyển sinh THPT và THCS, ông Sơn nói đây là một cách nhìn. Bậc THCS là giai đoạn giáo dục mang tính nền tảng, cơ sở, tích hợp để trang bị kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Còn bậc THPT tăng yếu tố phân luồng, hướng nghiệp và chủ động lựa chọn cho học sinh.
Thực tế, học sinh và phụ huynh đồng tình giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS chuyển sang THPT. Tuy nhiên, kết thúc THPT dẫu là phân luồng hướng nghiệp nhưng đánh dấu mốc kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết và điều này được quy định trong Luật Giáo dục 2019.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích và bản chất là để tốt nghiệp, nhưng thực tế còn lấy kết quả làm căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. "Nên kỳ thi vẫn được tổ chức trong những năm tới", ông Sơn nói.
Nhân rộng mô hình khám chữa bệnh từ xa
Đại biểu Trần Khánh Thu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình) nói thời gian qua hồ sơ sức khỏe đã được triển khai, nhưng chưa có căn cứ khám sức khỏe từ xa tại trạm y tế. Giá dịch vụ y tế chưa có cấu phần công nghệ thông tin. "Bộ trưởng Y tế có giải pháp gì?", bà Thu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế là việc cấp bách để giảm chi phí và tạo thuận tiện cho người dân. Thời gian qua, ngành y tế đã chỉ đạo quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Bộ cũng đã phê duyệt đề án khám chữa bệnh từ xa đến năm 2030 và chuyển đổi số đến năm 2025.
Hiện nay, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai đề án khám bệnh từ xa rất hiệu quả. "Chúng tôi sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các cơ sở y tế khác", bà Lan nói.
Theo Bộ trưởng Y tế, Luật Khám bệnh chữa bệnh được Quốc hội thông qua đầu năm nay nêu giá dịch vụ y tế bao gồm cấu phần công nghệ thông tin. Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ ban hành nghị định, trong đó quy định cụ thể cấu phần này.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn chiều 7/11. Ảnh: Ngọc Thành
Sáng mai, lãnh đạo các ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông có thêm 1,5 giờ trả lời chất vấn, trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm.