Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 17/11 thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu, Việt Nam không hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tăng trưởng kinh tế cũng không đạt chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Đất nước có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực nền kinh tế yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện... Một trong các nguyên nhân là chưa xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn.
Vì vậy, Trung ương yêu cầu chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Công nghiệp chế tạo, chế biến được coi là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa.
Đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng lên. Nền công nghiệp quốc gia được xây dựng vững mạnh, gắn với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao; từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD; tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 20%; lao động qua đào tạo đạt 35-40%. Việt Nam sẽ thuộc nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt hơn 40% GDP.
Việt Nam cần hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trật tự được xây dựng theo hướng tự lực, lưỡng dụng, hiện đại. Tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 30% GDP. Chính phủ số được hoàn thành, thuộc nhóm 40 nước hàng đầu thế giới về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Trung ương cũng đặt mục tiêu năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Trung ương yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá năng suất, chất lượng. Hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghệ số, quốc phòng, an ninh, năng lượng phải được ưu tiên xây dựng; có khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, nhà máy thông minh.
Nghị quyết nêu rõ, cần có chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu khoa học công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai. Các cơ quan cũng phải ban hành chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao; xây dựng khung pháp luật phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chính sách thí điểm, đặc thù cho phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ và nền tảng số.
Chính sách đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực cũng phải tiếp tục được đổi mới để thu hút đầu tư tư nhân, nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy công nghiệp hóa, hình thành Quỹ phát triển hạ tầng.
Ngoài ra, Trung ương yêu cầu xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, giá trị gia tăng cao, phát thải carbon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
Các lĩnh vực của ngành công nghiệp nền tảng được ưu tiên là luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất, công nghiệp năng lượng, vật liệu, công nghệ số. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn được chú trọng là sản xuất robot, ôtô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học; công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa...
Doanh nghiệp trong nước được khuyến khích liên kết, liên doanh với nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ. Công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ phát triển theo hướng liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia. Một số tập đoàn xây dựng quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế được khuyến khích phát triển...