Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết trong họp báo thường kỳ.
Ông Mattis trong hai ngày 16/10 và 17/10 đã đến TP HCM, chào xã giao Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, thảo luận với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm sân bay Biên Hòa, một điểm nóng dioxin trước đây là căn cứ quân sự Mỹ. Hồi tháng 3/2018, ông Mattis đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên.
"Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác quốc phòng song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm hoạ, các hoạt động gìn giữ hoà bình, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tẩy độc môi trường nhiễm dioxin, đặc biệt là khu vực bị nhiễm ở sân bay Biên Hoà", bà Hằng nói.
Người phát ngôn cho hay khắc phục hậu quả chiến tranh là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ của Việt Nam và Mỹ. Việt Nam đánh giá cao đóng góp của Mỹ về vấn đề này, hoan nghênh Mỹ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hoà.
Bộ trưởng Mattis nêu rõ kết quả chuyến thăm của ông đến sân bay Biên Hoà là cơ sở để báo cáo Chính phủ và Quốc hội Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có dioxin.
Sân bay quân sự Biên Hòa, cách TP HCM 30 km, từng là căn cứ của Không lực Mỹ trong giai đoạn chiến tranh. Theo các chuyên gia, nơi này nhiễm chất độc dioxin có nồng độ nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới, với khoảng 500.000 m3 đất ô nhiễm dioxin.
Hồi tháng 5, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân đã ký hợp tác cho Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa. Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm dioxin tại đây là 390 triệu USD, nguồn vốn từ hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Quá trình xử lý dự kiến trong 10 năm.
Năm 2012, từ nguồn tài trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu, Việt Nam đã triển khai dự án chống lan tỏa bằng cách xây dựng hồ điều hòa, đào đắp mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập hơn 5 ha, với khối lượng đất ô nhiễm ước tính hơn 70.000 m3 tại phía tây sân bay.
Khánh Lynh