Theo Luật giáo dục 2019, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo.
Tại hội thảo công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Năm năm 2011-2020, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%. So với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%) và nhiều quốc gia khác, mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam không thấp.
Tính theo tỷ lệ GDP (tổng sản phẩm quốc nội), mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%.
"Dù vậy, mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà Luật Giáo dục 2019 đã đề ra. Bên cạnh đó, con số phần trăm nghe thì cao, nhưng khi quy về số tuyệt đối thì thấp", ông Vinh nói.
Lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng sau khi Covid-19 xuất hiện, vấn đề này sẽ nghiêm trọng hơn bởi dịch bệnh tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Theo ông, có thể mức chi cho giáo dục vẫn đạt 18-19% ngân sách, nhưng con số tuyệt đối có thể giảm và hệ quả của việc giảm chi ngân sách sẽ được nhìn rõ vào cuối giai đoạn 2021-2030.
Theo GS Vinh, hệ thống phân quyền quản lý cho địa phương khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp nhiều khó khăn trong quản lý nguồn nhân lực và chi ngân sách nhà nước.
Thực tế, khoảng 50% tỉnh, thành đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn. Một số địa phương chi cho hoạt động chuyên môn trên 20% như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh. Ngược lại, những địa phương chỉ đảm bảo tỷ lệ chi cho hoạt động chuyên môn dưới 10% như Hà Giang (4%), Tuyên Quang (3%), Sơn La (9%), Hòa Bình (6%) và Sóc Trăng (6%).
Mức chi cho giáo dục tại Việt Nam chưa đạt 20% như chỉ tiêu đề ra, nhưng nhìn tại khía cạnh tích cực, GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng so với tiềm lực của Việt Nam trước kia và cả hiện nay, nhìn chung "chúng ta đang làm khá tốt trong khả năng của mình".
Ông Trung lấy dẫn chứng thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Việt Nam là 2.785 USD, đứng thứ 6 ASEAN và hơn 100 thế giới. Trong khi đó, Philippines 3.193 USD, Thái Lan 7,900 và Malaysia 10.402, gấp 2-3 lần thu nhập của người Việt Nam. "GDP bình quân đầu người của chúng ta thấp, mà mức chi cho giáo dục vẫn đạt như vậy, tôi cho rằng là rất tốt", ông Trung nói.
Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhận định muốn giáo dục Việt Nam phát triển mạnh, các giải pháp trước hết cần đảm bảo yếu tố khả thi. "Việc đặt mục tiêu 1-2 năm nữa bằng Singapore, nói luôn là không làm được. Còn nếu nói 15 năm tới, Việt Nam phấn đấu bằng Singapore bây giờ thì có thể", ông Trung bày tỏ và cho rằng cơ chế quản lý vĩ mô cần thay đổi mạnh để nền giáo dục chuyển mình.
Thanh Hằng - Duy Phương