Quang cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP. |
Đại sứ Lê Lương Minh, trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho biết Việt Nam đã sớm bắt tay vào công tác chuẩn bị cho việc đảm nhận trọng trách này, trong đó có việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các nước khác và phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích lũy được kinh nghiệm sau 6 tháng tích cực tham gia các hoạt động của HĐBA.
Trong tuần qua, Đại sứ Lê Lương Minh cũng đã làm việc với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và lãnh đạo Ban Thư ký. Đại sứ cho biết trong những ngày đầu tháng 7, ông dự kiến sẽ có những cuộc tiếp xúc riêng trên cương vị chủ tịch HĐBA với đại sứ các nước thành viên để trao đổi ý kiến.
"Việt Nam đã sẵn sàng, và dựa trên nền tảng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa quan hệ quốc tế, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp trong ngoài, cùng với đội ngũ cán bộ đã được thử thách, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt trọng trách này, qua đó góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh thế giới, nâng cao uy tín, đóng góp thiết thực vào quá trình hội nhập toàn diện của Việt Nam", đại sứ Lê Lương Minh khẳng định.
Đại sứ cho biết theo điều lệ, chủ tịch có trách nhiệm đại diện cho HĐBA trong những hoạt động của hội đồng theo sự ủy quyền của các thành viên, được quyền triệu tập họp bất kỳ khi nào thấy cần thiết theo yêu cầu của các thành viên HĐBA, của Tổng Thư ký hoặc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hoặc khi HĐBA có thông tin về một tranh chấp hoặc vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và 10 thành viên không thường trực được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm. HĐBA là cơ quan duy nhất có quyền ra quyết định có tính chất ràng buộc và cưỡng chế đối với các nước thành viên LHQ. Các quyết định của hội đồng được thông qua với ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu chống của bất kỳ thành viên thường trực nào. Nếu một nước ủy viên thường trực bỏ phiếu chống (phiếu phủ quyết - veto) thì quyết định không được thông qua, đây gọi là quyền phủ quyết của các nước ủy viên thường trực. |
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, chủ tịch HĐBA phải thường xuyên tham khảo ý kiến của các thành viên, các nước trực tiếp liên quan, Tổng Thư ký LHQ và Ban Thư ký, kể cả thông qua trao đổi chính thức lẫn không chính thức. Ngoài ra, muốn có hiệu quả, chủ tịch HĐBA còn phải cố gắng để các quyết định của mình, từ việc đưa vấn đề ra thảo luận, hình thức thảo luận, đến nội dung phát biểu với báo chí, có được sự nhất trí cao của các nước thành viên.
Theo đại sứ Lê Lương Minh, chương trình nghị sự trong tháng 7 này khá nặng và là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò chủ tịch. Trong tháng 7, HĐBA sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề khá phức tạp như tình hình Trung Đông, Kosovo, Gruzia, Sudan, Somali, sứ mệnh các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Dafur (Sudan), Nêpan...
Chủ tịch HĐBA trong tháng 7 còn phải đảm đương trách nhiệm soạn thảo báo cáo về công việc của hội đồng suốt từ 1/8 năm ngoái đến 31/7 năm nay để trình Đại hội đồng LHQ xem xét. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, do phải tổng hợp khối lượng công việc rất lớn của HĐBA trong suốt một năm qua.
Theo đề xuất của Việt Nam, HĐBA dự kiến sẽ có một cuộc thảo luận mở về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang, về tình hình Trung Đông bao gồm vấn đề Palestine. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dự kiến sẽ chủ trì một số hoạt động quan trọng của HĐBA trong tháng 7, trong đó có phiên thảo luận mở về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang và buổi ăn trưa làm việc giữa Tổng Thư ký LHQ, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của LHQ và đại sứ các nước thành viên HĐBA.
Theo TTXVN