Tại họp báo chiều 3/6, Thứ trưởng Cường nói Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19, tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.
"Về cơ bản, Việt Nam đã tiếp cận được số lượng này. Nhưng khi đàm phán nhập khẩu chúng ta phải ký cam kết với nhà sản xuất miễn trừ trách nhiệm nếu có sự cố trong quá trình sử dụng vaccine. Tất cả công ty đều buộc Việt Nam phải chấp nhận điều khoản có thể không giao hàng đúng tiến độ", ông Cường cho hay.
Trong khi đó, Việt Nam là nước kiểm soát tốt dịch bệnh, nên có một số lượng vaccine dự kiến được chuyển về Việt Nam, nhưng sau đó lại phải chuyển sang nước khác, như Lào và Campuchia, khi dịch bệnh ở hai nước này lan rộng.
"Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng không được ưu tiên trong vấn đề cung ứng vì kiểm soát tốt dịch bệnh", Thứ trưởng Cường nói và khẳng định, từ tháng 8/2021 trở đi "sẽ có tương đối nhiều vaccine được nhập về". Trong đó Pfizer cung cấp hơn 15 triệu liều trong quý 3; hơn 15 triệu liều khác trong quý 4...
"Ngoài các hợp đồng trước đây, chúng tôi đã đặt mua của Covax thêm 10 triệu, mua Pfizer thêm 20 triệu liều... Như vậy, tổng số liều vaccine mà Việt Nam đã đàm phán được là 170 triệu", ông Cường thông tin.
VnExpress đặt câu hỏi: Vừa qua Chính phủ khuyến khích địa phương, doanh nghiệp tham gia đàm phàn, mua, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19, vậy cơ chế để các đơn vị tham gia nhập vaccine và kiểm soát chất lượng như thế nào?
Thứ trưởng Cường trả lời, các doanh nghiệp, địa phương có hai cách tham gia vào việc nhập vaccine, đóng góp tiền vào Quỹ vaccine hoặc trực tiếp nhập khẩu từ nguồn tin cậy.
Tuy nhiên, hiện nay vaccine được nhập về Việt Nam đều trong tình trạng khẩn cấp, mặc dù chất lượng được nhà sản xuất đảm bảo, nhưng khi sử dụng có thể có phản ứng phụ và cần theo dõi. Một số vaccine cần bảo quản ở điều kiện, tiêu chuẩn cao.
Theo ông Cường, vì được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp, nên việc kiểm soát chất lượng vaccine phòng Covid-19 chủ yếu dựa trên hồ sơ, không thể theo tiêu chí chất lượng vaccine thông thường. Việt Nam sẽ chấp nhận các vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước phát triển cấp phép như Mỹ, Nga, châu Âu...
"Để đảm bảo chất lượng vaccine tốt nhất, các doanh nghiệp cần mua trực tiếp từ nhà sản xuất thay vì qua trung gian, vì sẽ khó đảm bảo chất lượng, điều kiện bảo quản", ông Cường nói. Nếu doanh nghiệp mua qua đơn vị ủy quyền chính thức của nhà sản xuất thì phải có văn bản xác nhận, để Bộ Y tế kiểm tra.
Theo Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn, nguồn kinh phí mua vaccine cũng như chi phí tiêm rất lớn; tính toán sơ bộ nếu Việt Nam nhập khoảng 150 triệu liều vaccine thì tổng chi phí trên 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân có thể phải tiêm lại hàng năm. Vừa qua Bộ Tài chính đã báo cáo và Thủ tướng quyết định thành lập quỹ vaccine; số dư của quỹ hiện nay gần 104 tỷ đồng; ngoài ra Bộ Y tế được một số đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và số tiền này sẽ được chuyển vào quỹ.
Bộ Tài chính đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Các doanh nghiệp của Ủy ban cam kết sẽ ủng hộ cho quỹ khoảng 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng đang và sẽ ủng hộ quỹ vaccine.
"Chúng tôi sẽ làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như một số ngành liên quan, thông tin về việc ủng hộ quỹ vaccine bằng nhiều hình thức đơn giản, thuận tiện nhất, góp phần cùng ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn kinh phí để mua vaccine phòng Covid-19", ông Tuấn nói.
Trước đó Bộ Y tế thông tin Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax. Trong đó, Covax tài trợ miễn phí 38,9 triệu liều vaccine. Việt Nam đã nhận hai lô, gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và 1.682.400 liều vào ngày 16/5, đều là vaccine AstraZeneca.
Ngoài ra, Việt Nam đã đặt mua trực tiếp 30 triệu liều từ AstraZeneca, đã nhận hai lô tổng cộng hơn 400.000 liều.
Với vaccine Sputnik V của Nga, Bộ Y tế đã thỏa thuận mua 20 triệu liều trong năm 2021, tuy nhiên chưa rõ thời gian cung ứng.