Theo đó, hộ chiếu vaccine của Việt Nam sẽ có 11 thông tin, gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; tên bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm; ngày tiêm; liều số; vaccine; sản phẩm vaccine; nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; mã số của chứng nhận.
Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR trên hộ chiếu vaccine sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
Bộ Y tế cho biết, các thông tin về vaccine, loại vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU).
Quy trình cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam sẽ gồm ba bước. Đầu tiên, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine Covid-19.
Bước hai, cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19.
Bước ba, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine Covid-19. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU.
Theo Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 8/12, Việt Nam đang tạm công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhật, Mỹ, Anh, Australia và Belarus đã công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam, một số nước "đang xem xét tích cực", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Bà Hằng cho biết Việt Nam đang trao đổi với hơn 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine, trong đó Ấn Độ và Canada đã nhất trí về mặt nguyên tắc.
Một số đối tác khác, trong đó có các nước ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, đều xem xét tích cực đề nghị công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Các đối tác này đang chờ Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.