Vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng
Hội nghị và triển lãm quốc tế về hậu cần vận tải hàng không Việt Nam (Air Freight Logistics Vietnam) lần thứ 4 vừa diễn ra tại TP HCM. Sự kiện quy tụ hơn 400 doanh nghiệp, chuyên gia của 35 hãng hàng không và các sân bay từ 30 quốc gia trên thế giới, cùng trao đổi kinh nghiệm cho chiến lược phát triển ngành logistics trong tương lai.
20 diễn giả hàng đầu trong ngành logistics quốc tế đã thảo luận về bức tranh toàn cảnh của ngành vận tải hàng không Việt Nam và thế giới. Các chủ đề chính gồm vận tải hàng không và thương mại quốc tế trong kỷ nguyên 4.0, thương mại điện tử quốc tế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành vận tải hàng không...
Tại sự kiện, ông Trần Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL đã có bài tham luận với chủ đề "Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong nỗ lực trở thành trung tâm vận tải hàng không của khu vực". Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nhu cầu vận tải hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương 7 tháng đầu năm 2019 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh sụt giảm chung của thị trường thế giới, vận tải hàng không quốc tế của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 11% trong 7 tháng đầu năm. Riêng thị trường vận tải hàng không nội địa năm 2018 tăng 134% so với năm 2017.
"Đây là thời điểm lý tưởng để chúng ta bắt đầu nghĩ đến chuyện Việt Nam có thể trở thành trung tâm vận tải hàng không của khu vực Đông Nam Á", ông Tuấn Anh đánh giá.
Cơ hội trở thành trung tâm vận tải khu vực
Đại diện tập đoàn ITL nêu những tiềm năng mà Việt Nam đang có để đạt mục tiêu trên như vận tải hàng không tăng trưởng tốt, GDP hơn 7% trong năm 2018 giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và vận tải hàng không. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu vận tải quốc tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định.
Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
"Thời gian qua, Google, Nintendo, Lenovo, Sharp, TCL Brook Sport... đã lên kế hoạch triển khai hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Sự dịch chuyển tích cực của nguồn khách hàng lớn này tạo ra nhu cầu ổn định cho tiến trình hình thành nên trung tâm vận tải hàng không trong nước", Chủ tịch ITL phân tích.
"Đây là câu hỏi mà các đơn vị logistics trong nước cần trả lời. Riêng ITL đặt mục tiêu giải quyết bài toán này trong kế hoạch phát triển 5 năm tới thông qua những hành động rất cụ thể", ôngTuấn Anh chia sẻ.
ITL thực hiện chiến lược liên minh, hợp tác với những tên tuổi lớn suốt nhiều năm qua, gồm Keppel Telecommunication & Transportation, Ceva Logistics, Mitsubishi Logistics, UPS Supply Chain... để cung cấp các dịch vụ, giải pháp logistics cho khách hàng toàn cầu. Năm 2019, ITL đã bắt tay với ICD Tân Cảng Sóng Thần - thành viên của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) xây dựng khu phức hợp logistics ITL-ICD Tân Cảng Sóng Thần tại Bình Dương với quy mô lớn tại Đông Nam Á, đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị cung ứng trong nước và toàn khu vực. Đây là một trong những nỗ lực của đơn vị để đón đầu cơ hội khi Việt Nam trở thành trung tâm vận tải hàng không trong tương lai.