Theo số liệu từ RHB Bank (Malaysia), chỉ khoảng 2,2% hàng xuất khẩu Việt Nam là đóng góp vào chuỗi giá trị của Trung Quốc - được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu nước này. Con số này tại các nước Đông Nam Á khác, như Malaysia là 11,4% và Philippines là 16,9%. Theo đó, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có thể là nước ít gặp rủi ro nhất từ căng thẳng thương mại đang tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump vừa đề nghị chính phủ Mỹ cân nhắc áp thêm thuế nhập khẩu lên 100 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Việc này khiến căng thẳng thương mại giữa hai nước lại dâng cao. Vài tháng qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tục áp thuế nhập khẩu nhằm vào nhau, với lý do bảo vệ lợi ích quốc gia.
Vì vậy, giới chức các nước Đông Nam Á đang tập trung đẩy mạnh thị trường tiêu dùng nội địa, để dự phòng nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến xấu. RHB cho rằng các lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nặng nhất là điện tử, máy móc (như máy tính) và hàng hóa công nghiệp.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của rất nhiều nền kinh tế Đông Nam Á. Người dân nước này cũng là nguồn đầu tư và khách du lịch quan trọng trong khu vực. Dù thị trường nội địa lớn tại Indonesia và Philippines có thể giúp họ tránh phần nào ảnh hưởng từ một cuộc chiến tranh thương mại, các nước khác, như Singapore, Malaysia và Thái Lan lại phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn.
Hà Thu (theo Bloomberg)