Sáng 22/11, hội thảo "Khoa học công nghệ phục vụ ứng phó thiên tai" do Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quang Nam nêu: "Hiện tại, mỗi khi xảy ra thiên tai chúng tôi triển khai ngay phương châm bốn tại chỗ nhưng hầu hết đều bằng thủ công. Việc xác định người mất tích ở đâu luôn rất khó khăn. Nếu như xác định được vị trí nạn nhân sớm thì sẽ có phương án tiếp cận nhanh nhất và có thể cứu sống nạn nhân".

Các chuyên gia thảo luận về vai trò của công nghệ trong phòng chống thiên tai. Ảnh: Gia Chính
Giải pháp cho vấn đề này được Học viện Kỹ thuật quân sự giới thiệu đó là hệ thống giả lập BTS phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Hệ thống giả lập BTS đã được thế giới áp dụng trong công tác tìm kiếm cứu nạn khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, Học viện Kỹ thuật quân sự đã sản xuất thành công thiết bị này và đưa vào áp dụng trong lĩnh vực quân sự khoảng 3 năm nay.
"Thiết bị này đã được một số đơn vị quân đội dùng để phát hiện gián điệp, các đối tượng phản động từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, khi số lượng người sử dụng thiết bị di động ngày càng lớn, gần như mỗi người có ít nhất một điện thoại, cùng với tình hình thiên tai phức tạp thì thiết bị này hoàn toàn có thể hỗ trợ quá trình tìm kiếm một cách tích cực", Đại tá Nguyễn Huy Hoàng, Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết.

Đại tá Nguyễn Huy Hoàng trình bày về thiết bị giả lập BTS. Ảnh: Gia Chính
Thiết bị có kích thước chỉ như một chiếc vali nhỏ. Hoạt động theo cơ chế tạo ra BTS giả để các thiết bị di động kết nối. "Bình thường các thuê bao liên kết với BTS chính, khi tìm kiếm người mất tích thiết bị sẽ cắt BTS chính, tạo BTS giả để thuê bao kết nối".
Sau đó, thiết bị này sẽ giúp khai ba thông số của chủ thuê bao khi phối hợp với các nhà mạng, từ đó có thể xác định được danh tính nạn nhân.
Đại tá Hoàng khẳng định, điểm mạnh nhất của thiết bị có thể xác định được vị trí cụ thể của từng nạn nhân bằng cách kích điện thoại di động phát công suất lớn nhất, sau đó dùng ăng ten phân tích phổ để xác định hướng nạn nhân.
Giá thành một thiết bị giả lập BTS tùy thuộc vào cấu hình bán kính tìm kiếm. "Với mẫu có bán kính tìm kiếm là 50m thì giá khoảng 2 tỷ đồng. Mức giá này rẻ hơn khoảng 5 lần so với các thiết bị do nước ngoài sản xuất. Sản phẩm này hoàn toàn có thể sản xuất để phục vụ các địa phương trong việc tìm kiếm cứu nạn".
Tại hội thảo các nhà khoa học đã dẫn nhiều số liệu cho thấy thiên tai đang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam. Năm 2017, thiên tai làm thiệt hại 60.000 tỷ đồng, 386 người chết và mất tích. Còn 9 tháng đầu năm nay con số này là 15.000 tỷ đồng, số người chết và mất tích là 200 người.