- Báo cáo Tái định hình ngành năng lượng tại khu vực Đông Nam Á mà Wärtsilä vừa công bố có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Kết quả mô phỏng của chúng tôi cho thấy Việt Nam có thể đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050 mà không tăng thêm chi phí hệ thống. Bởi sẽ có nhiều khoản tiết kiệm trong hệ thống điện Net Zero nhờ các nhà máy năng lượng tái tạo có mức chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, xây dựng một hệ thống điện Net Zero và đạt mục tiêu độc lập năng lượng, năng lượng tái tạo cần là nguồn năng lượng chính thay thế nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, nguồn điện gió và điện mặt trời sẽ tăng từ khoảng 10% tổng công suất phát hiện nay lên 30%.
Đến năm 2030, Việt Nam cần bổ sung thêm một lượng đáng kể nguồn điện linh hoạt trong đó có 7 GW các nhà máy động cơ ICE linh hoạt và pin tích trữ năng lượng. Trong dài hạn, Việt Nam nên loại bỏ các nhà máy kém linh hoạt như nhà máy điện than và dầu. Theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam có thể loại bỏ hầu hết nhà máy điện than vào năm 2040.
Việc đầu tư vào hệ thống điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo ngoài việc cung cấp đủ điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng còn đem đến lượng điện dư thừa có thể dùng để sản xuất nhiên liệu bền vững như khí hydro xanh cung cấp cho các động cơ linh hoạt ICE và giúp hệ thống điện đạt Net zero. Mặt khác, dự thảo quy hoạch điện 8 (PDP8) sắp tới của Việt Nam đã cho thấy những định hướng tích cực - tăng mục tiêu năng lượng tái tạo so với các quy hoạch trước đó.
- Điểm gì đáng lưu ý với thị trường năng lượng Việt Nam trong báo cáo này?
- Việt Nam có thể đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050 và cắt giảm 20% chi phí hệ thống điện - tức là tiết kiệm được 28 tỷ USD mỗi năm. Việc giảm phát thải carbon có thể đạt được thông qua các công nghệ đã có sẵn hiện nay.
Nhưng để đạt mục tiêu, Việt Nam cần xây dựng và áp dụng các khuôn khổ pháp lý mang tính lâu dài nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cũng như các nguồn điện linh hoạt, đồng thời tạo ra một thị trường điện cạnh tranh hơn. Điều quan trọng là xây dựng cơ chế nhằm đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho các nhà máy điện này.
- Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Việt Nam để đạt Net Zero?
- Tôi hài lòng khi thấy Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải carbon toàn cầu. Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu đến năm 2050 được phê duyệt vào tháng 7 vừa qua là bước đi tuyệt vời đầu tiên để Việt Nam lập kế hoạch cho mục tiêu giảm phát thải carbon cho từng lĩnh vực. Ngành năng lượng là ngành đóng góp lớn vào lượng phát thải carbon toàn cầu, và đặc biệt Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Bản dự thảo quy hoạch điện 8 sau COP26 đã có những thay đổi tích cực đáng kể với việc giảm 14GW công suất điện than và tăng 64GW công suất điện năng lượng tái tạo vào năm 2045. Do thị trường nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn còn biến động trong vài năm tới, Việt Nam hiện tại thậm chí có cơ hội tốt hơn để hành động quyết liệt hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Và tôi hy vọng còn thấy những thay đổi tích cực hơn nữa trong bản PDP8 được phê duyệt sắp tới.
- Tại sao Wärtsilä đưa ra tới 4 kịch bản cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam? Đâu là kịch bản phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam lúc này?
- Chúng tôi đã tiến hành mô phỏng bốn kịch bản cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam đến năm 2050 để hiểu rõ về chi phí và tác động tới môi trường trong các lộ trình giảm phát thải carbon. Các kịch bản này triển khai các công nghệ có sẵn hiện nay với mức chi phí thấp nhất để đáp ứng nhu cầu điện, dựa trên các mức độ phát thải khác nhau vào năm 2050, từ kịch bản thông thường (BAU) cho tới kịch bản Net zero.
Các kịch bản đề cập đến các mức độ tham vọng khác nhau về nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện năng vào năm 2050. Các kịch bản tập trung hoàn toàn vào ngành điện chứ không phải tổng thể nền kinh tế. Tất cả kịch bản đều cho thấy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, xây dựng được hệ thống điện Net Zero và đạt được mục tiêu độc lập năng lượng, năng lượng tái tạo là nguồn chính thay thế nhiên liệu hóa thạch
- Tại sao năng lượng tái tạo vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong thị trường điện tại Việt Nam?
- Sự gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ phụ thuộc vào các chính sách kế tiếp mà Chính phủ đang xây dựng. Các chính sách đó nên bao gồm cơ cấu biểu giá FIT mới cho các nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp cũng như các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư mới, cũng như thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các nhà cung cấp điện sạch trực tiếp bán điện cho các nhà khách hàng tiêu thụ điện.
Hơn nữa, việc phát triển năng lượng tái tạo cần đồng bộ với việc đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục thấy vấn đề cắt giảm công suất phát điện trong tương lai. Nghiên cứu mô phỏng mới đây của chúng tôi cho thấy, khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống, các nhà máy điện ICE linh hoạt cần được bổ sung để giải quyết tính biến thiên của các nguồn năng lượng tái tạo và ngăn chặn sự mất ổn định của lưới điện.
Chúng ta có thể hiểu đơn giản như sau, nếu các nhà máy điện năng lượng tái tạo giống như chiếc ôtô, thì đường dây tải điện giống như con đường và nguồn linh hoạt giống như đèn giao thông. Khi không có đường, bạn không thể di chuyển từ điểm này đến điểm kia. Mặc khác, nếu không có đèn tín hiệu để điều tiết giao thông thì các con đường sẽ bị tắc nghẽn hoặc hệ thống điện sẽ mất ổn định.
- Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam sớm hoàn thành cam kết Net Zero?
- Việt Nam sẽ không thể hưởng trọn vẹn các lợi ích mà hệ thống điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo đem lại trừ khi thực hiện một số bước then chốt trong 5-8 năm tới. Các hành động cần được tiến hành ngay bây giờ và các chính sách cần được khuyến khích để hỗ trợ quá trình dịch chuyển năng lượng.
Các công nghệ mà chúng ta đang lựa chọn bây giờ sẽ có tác động lớn đến hệ thống điện trong tương lai mà mô hình của chúng tôi cho thấy đó là sự kết hợp giữa năng lượng tái tạo và các nguồn điện linh hoạt. Song song đó, cần có thêm các cơ chế tăng cường để tiếp tục hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ đầu tư cho các dự án mới và một cơ chế giá rõ ràng. Ngoài ra, thị trường dịch vụ phụ trợ và cơ chế thanh toán giá công suất, cần được khuyến khích để thúc đẩy đầu tư vào các nhà máy điện linh hoạt.
Thế Đan (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Sushil Purohit có hơn 10 năm kinh nghiệm thúc đẩy sản xuất điện linh hoạt tại các thị trường Trung Đông, châu Á, Australia và châu Mỹ. Hiện ông dẫn dắt hoạt động kinh doanh mảng năng lượng trên toàn cầu của Wärtsilä với tầm nhìn dẫn đầu quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai 100% năng lượng tái tạo.