- Asian Cup 2023 đang đến gần, nhưng vấn đề nhân sự của Việt Nam vẫn nhức nhối vì không có sự phục vụ của các cầu thủ lớn như Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức... do chấn thương. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- Chủ yếu do chúng ta chuyển đổi mô hình thi đấu mới của giải vô địch quốc gia. Trước đây, các mùa giải diễn ra trong năm, còn bây giờ kéo dài hai năm. Việc V-League vừa kết thúc mùa 2023 đã chuyển sang mùa 2023-2024 dẫn đến nhiều hệ luỵ, như lịch thi đấu dày đặc, cầu thủ không có thời gian hồi phục nên chấn thương tiềm ẩn rồi bùng phát.
Ngoài ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần xem lại công tác y tế cũng như nền tảng đào tạo thể lực cầu thủ ở cấp CLB... Trong họp báo trước khi lên đường sang Qatar, HLV Philippe Troussier tiết lộ rằng, nhiều cầu thủ phải uống thuốc giảm đau, cắn răng thi đấu trong thời gian dài ở CLB. Điều đó, về lâu dài rất tai hại cho cầu thủ.
- Với lực lượng thiếu trước hụt sau như vậy, ông nhận định thế nào về cơ hội của Việt Nam ở Asian Cup lần này?
- Việc không có được lực lượng mạnh nhất là điều đáng tiếc. Những cái tên kể trên đều là trụ cột của đội tuyển nhiều năm qua, nếu không muốn nói là sự lựa chọn số một ở vị trí của họ dưới thời HLV tiền nhiệm Park Hang-seo.
Nhưng tôi nghĩ, trong nguy luôn có cơ. Việc mất các đàn anh là cơ hội cho các cầu thủ trẻ thử sức, tích luỹ kinh nghiệm tại Asian Cup sắp tới. Chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng, đến với giải đấu lớn nhất của châu lục, mục tiêu của Việt Nam chắc chắn cũng chỉ là vượt qua vòng bảng, chứ không thể vô địch. Để làm được điều đó, chúng ta phải hạn chế bàn thua trước Nhật Bản, giành chiến thắng trước Indonesia và sau đó cố gắng chơi tốt trước Iraq để chờ vận may như năm 2019 - khi đoàn quân dưới thời HLV Park vượt qua cửa hẹp nhờ chỉ số fair-play. Tức là, cùng lúc Việt Nam phải phụ thuộc quá nhiều nhiều tố.
Vì thế, đừng đặt kỳ vọng quá nhiều ở Asian Cup mà hãy xem đây là bước đệm cho hai mục tiêu thiết thực phía trước là vòng loại thứ hai World Cup vào tháng 3 và vòng chung kết U23 châu Á vào tháng 4. Biết đâu, với những trải nghiệm thực tiễn, sự va đập với những đối thủ lớn ở Asian Cup cùng điểm rơi phong độ tốt, lứa U23 lần này có thể tạo bất ngờ là giành vé đi Olympic 2024. Khi đó, chúng ta sẽ có một thế hệ cầu thủ mới chững chạc, hướng tới mục tiêu xa hơn là World Cup 2026.
- Trước ngày lên đường, HLV Troussier nói rằng khoảng 80% người hâm mộ Việt Nam không tin ông ấy và các học trò thành công. Ông nghĩ sao về phát biểu này?
- Rõ ràng, người hâm mộ ở đâu cũng vậy, họ chỉ muốn chiến thắng. Điều quan trọng là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải có cách bảo vệ HLV, kiên nhẫn và không chạy theo đòi hỏi nhất thời của người hâm mộ.
Với hai lần cầm quân dự World Cup, một kỳ Olympic, một lần vô địch châu Á, lăn lộn ở ba châu lục với 10 quốc gia và hơn 200 trận đấu quốc tế... Troussier là HLV đẳng cấp nhất của Việt Nam. Đầu năm 2018, tôi được cộng tác cùng Troussier trong chiến trình mang tên "Xuất sắc nhất cùng xuất sắc nhất", khi ông ấy sang Việt Nam làm việc cho Trung tâm đào tạo PVF. Khi đó, Troussier soạn thảo một chương trình đào tạo trẻ, với hơn 200 cầu thủ từ lứa 13 đến 17 tuổi được thi đấu thường xuyên từ Bắc tới Nam cũng như du đấu quốc tế. Ông ấy hoạch định, xây dựng các lứa cầu thủ trẻ như vậy để đến World Cup 2026 hoặc World Cup 2030 là đạt độ tuổi chín muồi và trở thành nòng cốt của Việt Nam. Đó là một chương trình rất thực tiễn, áp dụng từ bóng đá Bắc Ireland. Rất tiếc là kế hoạch đổ bể vì Việt Nam thiếu kinh phí.
Tôi kể như vậy để thấy Troussier có tầm nhìn sâu rộng, nhất là việc hoạch định chiến lược. Nhưng, ông ấy đang chưa gặp may và thật sự chưa có nhiều thời gian thể hiện. Do đó, người hâm mộ cần bình tâm kiên nhẫn và ủng hộ. Bởi, đích đến mà chúng ta cần hướng tới xa hơn nhiều so với việc giành AFF Cup hay SEA Games như trước.
- Nhưng, thực tế là ở những giải đấu đã qua, thầy trò HLV Troussier chưa tạo được đột phá nào lớn về thành tích cũng như lối chơi?
- Chúng ta không thể so sánh và đòi hỏi Troussier phải nhanh chóng có thành tích như HLV Park.
Ông Park được thừa hưởng một lứa cầu thủ trẻ tài năng xuất phát từ U19. Hiện nay, lứa này không còn giữ được phong độ, dù về lý thuyết đây mới là lúc họ đạt độ chín. Chưa kể, ông Park trước đây được nhiều ưu ái, như V-League nghỉ hoàn toàn mấy tháng để đội tuyển tập trung, có một dàn trợ lý người Hàn Quốc hỗ trợ... Còn ông Troussier không có nhiều thời gian chuẩn bị do lịch V-League dày đặc. Chưa kể, những cầu thủ tốt nhất như Đặng Văn Lâm, Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Quang Hải... không ổn định. Ông ấy cũng thiếu những trợ lý giỏi và những người kết nối, hỗ trợ giữa Ban huấn luyện với cầu thủ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
- Vậy, ông nhận thấy những dấu hiệu tích cực nào của bóng đá Việt Nam sau một năm được lèo lái bởi HLV Troussier?
- Trong năm 2023, Việt Nam ít tham dự các giải đấu lớn. Ngoài hai trận vòng loại World Cup 2026 với Philippines và Iraq, còn lại là giao hữu. Đội U22 tham dự SEA Games ở Campuchia và giành HC đồng. Nhưng có thể thấy, mỗi lần tập trung, HLV Troussier thường triệu tập hai đội tuyển song song, cùng tập luyện và bổ trợ cho nhau. Ông ấy đang áp dụng triết lý chơi kiểm soát bóng để phù hợp với tố chất cầu thủ Việt Nam. Và đâu đó qua một số trận, chúng ta thấy cầu thủ đang hiểu và thực hiện tốt ý tưởng của Troussier.
Ngoài ra, việc tập trung nhiều cầu thủ trẻ lên tuyển như Thái Sơn, Đình Bắc, Minh Trọng, Văn Cường... cũng là tín hiệu mừng. Bởi, họ đã được thi đấu và phần nào chứng tỏ được năng lực, học hỏi được triết lý để xây dựng nòng cốt cho tương lai.
Đức Đồng