Ulli Waltinger là Giám đốc công nghệ Phòng thí nghiệm AI của Siemens AG - một trong những tập đoàn Điện và Điện tử lớn nhất nước Đức với trên 170 năm kinh nghiệm và sự hiện diện trên 200 quốc gia và lãnh thổ. Siemens hiện cũng là một trong số 10 công ty phần mềm lớn nhất thế giới.
Trao đổi với VnExpress, vị chuyên gia khẳng định, AI đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu thế này.

Ông Ulli Waltinger - Giám đốc công nghệ Phòng thí nghiệm AI của Siemens AG.
- AI đang có những tác động đến các ngành công nghiệp hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Báo cáo mới nhất của công ty kiểm toán và tư vấn tài chính PwC dự đoán, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 14% vào năm 2030, nhờ đóng góp từ trí tuệ nhân tạo (AI). AI với những đột phá về công nghệ thuộc các lĩnh vực như Học máy (Machine Learning) hay Học sâu (Deep Learning) thông qua các ứng dụng trong thị giác máy tính (bao gồm thu nhận, nhận dạng, phân tích, xử lý ảnh kỹ thuật số), nhận diện giọng nói, dịch thuật, quảng cáo...đang tác động mạnh mẽ đến hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp tới khách hàng (B2C). Các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa nguồn dữ liệu và thông tin để hiểu rõ hơn hành vi và thị hiếu của người tiêu dùng, loại bỏ yếu tố chủ quan trong quá trình phân tích và ra quyết định chính xác hơn.
AI cũng tác động mạnh mẽ đến thị trường B2B (mô hình kinh doanh doanh nghiệp với doanh nghiệp) trong tất cả các ngành công nghiệp và quy trình liên quan bao gồm ngành chế tạo và sản xuất máy móc, nước, thực phẩm và đồ uống, quản lý năng lượng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính cho đến khu vực công...
Đặc biệt, AI góp phần tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Lấy ví dụ ở Siemens, MindSphere là Hệ điều hành mở kết nối vạn vật dựa trên nền tảng điện toán đám mây do Tập đoàn phát triển. MindSphere là công cụ cho các nhà phát triển phần mềm, ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật đánh giá và sử dụng hiệu quả các dữ liệu, cũng như để thu thập các thông tin chuyên sâu, đồng thời giúp thúc đẩy hiệu suất và tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị.
- Cụ thể tại Siemens, quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động của tập đoàn được triển khai như thế nào?
- Tập đoàn Siemens đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực phân tích số liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) khoảng 30 năm nay, thúc đẩy công nghệ và khai thác tiềm năng to lớn cho hoạt động kinh doanh thông qua máy móc thông minh và tăng cường khả năng con người.
Cụ thể, về Máy móc tự hành: bao trùm từ việc giảm phát thải khí NOx của tuabin khí với kỹ thuật Học hỏi tăng cường, tăng năng suất của máy công cụ dùng Tối ưu hóa số nguyên hỗn hợp, chuyển đổi kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh, đến tăng cường chất lượng và năng suất của ngành Sản xuất bồi đắp, hoặc cho phép định vị lỗi trong lưới điện thông qua Học hỏi sâu.
Về Tăng cường khả năng con người: gồm hỗ trợ quy trình đấu thầu bằng cách kết hợp Học máy với Biểu đồ Tri thức Công nghiệp, đề xuất các hành động tốt nhất tiếp theo trong Chuỗi cung ứng với công nghệ Trợ lý ảo, đồng thời cũng đưa ra các đề xuất cụ thể về thiết kế cho Quy trình sản xuất dùng kỹ thuật Phân rã Tensor trong phần mềm công nghiệp của chúng tôi.

Thông qua công nghệ máy học và hệ tư vấn, máy tính có thể đưa ra các gợi ý về việc thiết lập thông số hệ thống tự động hóa, áp dụng trong lập kế hoạch sản xuất.
Gần đây nhất Siemens cho ra mắt mô đun xử lý dùng mạng nơ ron (NPU), cho phép khách hàng có thể lần đầu tiên sử dụng AI ở cấp độ điều khiển, tức là cho chạy các ứng dụng AI phân bố ở các cấp khác nhau từ nền tảng MindSphere tới nền tảng Industrial Edge, tới Bộ điều khiển số, và tới các Thiết bị đầu cuối.
Riêng năm 2017, Siemens đã đầu tư 5,2 tỷ euro vào R & D (nghiên cứu và phát triển), với đội ngũ khoảng 40.000 nhân viên trong mảng này và 24.500 kỹ sư phần mềm trên toàn cầu.
Phân tích dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ lõi của Siemens và được nghiên cứu, phát triển bởi nguồn nhân lực gồm hơn 200 nhà nghiên cứu AI và hơn 1.000 cộng tác viên từ các bộ phận kinh doanh của tập đoàn trên khắp thế giới.
- Có mặt tại Việt Nam từ năm 1979, Siemens đã có những hỗ trợ gì để thúc đẩy quá trình phát triển AI tại Việt Nam?
- Chúng tôi khuyến khích các nhà sản xuất ô tô Việt Nam sử dụng công nghệ bộ đôi kỹ thuật số "digital twins" - một giải pháp số hóa mà Siemens đưa ra cho các doanh nghiệp.
Digital twins được sử dụng trong toàn bộ vòng đời sản phẩm để mô phỏng, dự đoán và tối ưu hóa sản phẩm và hệ thống sản xuất trước khi quyết định đầu tư vào sản xuất mẫu và tài sản. Digital twins giúp doanh nghiệp giảm thời gian phát triển sản phẩm, giảm chi phí từ việc không cần thiết phải sản xuất mẫu vật lý, đồng thời giúp cải thiện chất lượng của thành phẩm và tối ưu quy trình sản xuất.
Công ty VinFast đã lựa chọn Siemens làm đối tác để sản xuất chiếc xe ô tô đầu tiên của Việt Nam chỉ trong vòng 18 tháng. Nhà máy sản xuất ô tô hiện đại của VinFast đang được trang bị phần cứng và phần mềm tự động hóa và số hóa mới nhất của chúng tôi.
Bên cạnh đó Siemens cũng liên tục tài trợ thiết bị và phần mềm tự động hóa cho nhiều trường đại học tại Việt Nam, như Đại học Bách khoa TP HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, góp phần đào tạo một "thế hệ số" tại Việt Nam.

Bằng công nghệ Máy học, các trung tâm dữ liệu có thể giảm thiểu nhu cầu năng lượng cho việc làm mát.
- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội ứng dụng công nghệ AI đối với các nước đang phát triển như Việt Nam?
- Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng GDP xấp xỉ 7% trong mấy năm trở lại đây. Trong đó, công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, tăng trưởng 8,8% năm 2017. AI có cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Thực tế, AI đang tác động đến nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam, rõ thấy nhất là với B2C trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, giao thông vận tải nhờ sự có sẵn của các thiết bị và dữ liệu. Lĩnh vực B2B cũng đang lớn dần ở một số ngành như đồ uống, nước và sản xuất chế tạo.
Theo tôi, Việt Nam có một môi trường thuận lợi mà các doanh nghiệp có thể tận dụng phát triển AI. Ngoài ra, với dân số xấp xỉ 97 triệu, khoảng 62 triệu người dùng mạng xã hội và tuổi trung bình 31, có nghĩa là một nửa dân số trẻ, Việt Nam đang sở hữu thế hệ số, yêu công nghệ, để đón nhận tiềm năng và cơ hội lớn từ AI.
- Là một chuyên gia AI quốc tế nhiều kinh nghiệm, ông có lời khuyên nào nhằm thúc đẩy ứng dụng AI tại Việt Nam?
- Trong thời đại số, nắm giữ quá nhiều dữ liệu mà không biết cách sử dụng cũng giống như không có dữ liệu. Điều đó có nghĩa cần một chiến lược về dữ liệu.
Ứng dụng AI trong bối cảnh cuộc Công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi một chiến lược và lộ trình rõ ràng, bao quát nhiều khía cạnh khác nhau như: dữ liệu, máy tính, nhân lực và tài lực, vốn đầu tư, cũng như chọn đúng ngành công nghiệp cần ứng dụng. Các sáng kiến như SIRI (Bộ chỉ số mức độ sẵn sàng công nghiệp thông minh) sẽ giúp đánh giá tình trạng hiện tại tại cơ sở sản xuất, xây dựng lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp và mang lại giá trị phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Xây dựng các Trung tâm khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo là cần thiết để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ứng dụng AI theo mô hình 'fail-fast' và khởi nghiệp tinh gọn.
Nguồn nhân lực AI giỏi trên thế giới vẫn đang thiếu hụt. Bởi vậy, cần tập trung vào giáo dục và bồi dưỡng kỹ năng sẽ không chỉ cải thiện năng lực về AI và Machine Learning, mà rộng ra là cả lĩnh vực Kỹ thuật phần mềm để ứng dụng AI.
Phong Vân